78 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2023)

06/09/2023 13:33:32 +07:00

Công an tỉnh Bình Dương

Đảm bảo an ninh trật tự xã hội để phát triển kinh tế

Sau đại dịch Covid19, kinh tế Bình Dương phục hồi một cách thần kỳ. Bình Dương vẫn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.. Nhằm đảm bảo tình hình an trật tự xã hội để địa phương phát triển kinh tế; công an tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp nhằm chuyển hóa các địa bàn phức tạp, giảm thiểu các vụ trọng án. Dịp này phóng viên Tạp chí Truyền thống và phát triển đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá Tạ Văn Đẹp-Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương về vấn đề này

PV: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian vừa qua?

Đại tá Tạ Văn Đẹp: Trong 7 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Công an, ủa Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững ổn định, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, công trình trọng điểm và các hoạt động, sự kiện chính trị.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, không để tội phạm hoạt động lộng hành, gây mất ANTT. Trong 7 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an toàn tỉnh đã điều tra, khám phá 997 vụ phạm tội về trật tự xã hội, (đạt tỷ lệ trên 92%), bắt xử lý 2.038 đối tượng, trong đó, án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã điều tra khám phá đạt trên 93,5%.

Nổi lên là các nhóm thanh thiếu niên tụ tập sử dụng các loại hung khí, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn; tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn trong sinh hoạt; tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản thủ đoạn hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh, tái diễn thủ đoạn dàn cảnh để trộm cắp tài sản tại các địa điểm, khu vực kinh doanh, gây bức xúc dư luận. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, không gian mạng mặc dù phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng không mới nhưng cách tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, nhiều vụ nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 117 vụ phạm pháp hình sự rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trong đó: nổi lên là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích xuất phát từ những nguyên nhân do mâu thuẫn trong sinh hoạt, làm việc, ghen tuông tình ái hoặc mâu thuẫn bột phát trong lúc uống rượu bia, va quẹt giao thông… các đối tượng đã sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm đâm chém, trả thù cá nhân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn xảy ra nhiều, khiến dư luận bức xúc.

PV: Nguyên nhân do đâu mà thời gian gần đây lại xảy ra nhiều vụ trọng án như vậy?

Đại tá Tạ Văn Đẹp: Qua phân tích, đánh giá cho thấy tình hình tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau.  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, tạm ngưng hoạt động hoặc đăng ký giải thể do tác động của tình hình thế giới, khu vực và hậu đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh bị thất nghiệp, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, không thể về quê, phải tập trung sinh sống tại các khu nhà trọ, khu chung cư.

Đây là một trong những áp lực trong công tác quản lý, giải quyết các chế độ chính sách, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân, điều kiện phát sinh những vấn đề phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công và tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương. Diễn biến, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đối tượng thực hiện hành vi phạm tội  mang tính bột phát, do mâu thuẫn nhất thời do đó khó phát hiện, khó phòng ngừa.

Câu 3: Giải pháp của ngành Công an tỉnh Dương trong thời gian tới nhằm đảm bảo cho Bình Dương ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế?

Đại tá Tạ Văn Đẹp: Trước tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và do hậu đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giải thể, ngừng hoạt động, kéo theo số người lao động bị thất nghiệp, giảm giờ làm có chiều hướng tăng, dự báo tình hình tội phạm sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Để bảo đảm tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Công an tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện các công tác trọng tâm sau:

Một là, tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm thực sự hiệu quả ngay từ cơ sở. Trong đó: xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm; lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội, tập trung giải quyết các chế độ chính sách, an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định cho số công nhân, lao động thất nghiệp nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tình hình tội phạm tại địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung rà soát số đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Triển khai quyết liệt các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp mạnh các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản…, tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm, không để tội phạm lộng hành, diễn biến phức tạp.

Ba là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT, quản lý cư trú, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quản lý các cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, trong đó chú trọng kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, cơ sở nhạy cảm và doanh nghiệp có biểu hiện để các đối tượng lợi dụng ẩn náu hoạt động. Duy trì hiệu quả các mô hình, tổ chức quần chúng nòng cốt ở cơ sở; nâng cao hiệu quả của các Tổ tuần tra đặc biệt 171 trong công tác phòng, chống tội phạm tại các tuyến, địa bàn để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm.

Bốn là, tập trung vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng và đưa vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là đối với các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm; tổ chức xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm giáo dục, răn đe tội phạm…

Câu 4: Việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được ngành Công an tỉnh nhà thực hiện như thế nào?

Đại tá Tạ Văn Đẹp: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2496/KH-UBND ngày 07/06/2021 về thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, thành lập Hội đồng thẩm định, xét chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, giai đoạn 2021- 2025 theo Quyết định số 207/QĐ-BCĐ(CAT) ngày 08/11/2021 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh.

Công an tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh lựa chọn, chuyển hóa thành công đối với 05 địa bàn cấp xã. Để kịp thời đánh giá tình hình, kết quả triển khai, thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn, trọng tâm là sự lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Ban Chỉ đạo 138 các địa phương, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã ban hành, thành lập Đoàn kiểm tra công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023.

Xác định công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Công an trong bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế xã hội, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung biện pháp theo các chương trình, kế hoạch đề ra nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an để thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; tăng cường kỷ cương, ý thức tuân thủ pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương, góp phần vào công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên toàn địa bàn tỉnh.

Xin cám ơn ông./.

Thanh Hiếu

Box 1: Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, thiếu sót để tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm ANTT tại địa phương; thực hiện tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp phòng ngừa xã hội; tích cực đấu tranh, trấn áp mạnh các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm liên quan đến các băng, ổ nhóm, “tín dụng đen”;…, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, góp phần đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương.

Box 2: Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều giải pháp tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh; kịp thời kiến nghị, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về an toàn PCCC; tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất 5.431 lượt cơ sở, phát hiện, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.044 cơ sở với tổng số tiền trên 27,1 tỷ đồng, ra quyết định tạm đình chỉ 306 cơ sở, đình chỉ hoạt động đối với 358 cơ sở vi phạm nghiêm trọng trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, không có biện pháp khắc phục, sửa chữa sai phạm. Qua đó, tình hình cháy nổ cơ bản được kiềm chế, đa số là các vụ cháy nhỏ, tự phát, không gây hậu quả thiệt hại về người và tài sản;