Nhà Thơ, Nhà Văn Hóa Nông Quốc Chấn – Người Kiến Tạo ” Ngôi Nhà Chung ” Cho Văn Nghệ Sĩ Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam

19/01/2024 09:12:01 +07:00

Nhà Thơ, Nhà Văn Hóa Nông Quốc Chấn – Người Kiến Tạo ” Ngôi Nhà Chung ” Cho Văn Nghệ Sĩ Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam

      Nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn (1923 – 2002), sinh ra trong một gia đình nông dân ở bản Nà Cọt, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Nơi ấy là quê hương của một nhà thơ, nhà văn hóa ưu tú không chỉ của các dân tộc thiểu số, mà của các dân tộc trên đất nước Việt Nam thống nhất. Trong suốt hơn 50 năm cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hóa dân tộc thiểu số, Nhà thơ Nông Quốc Chấn đã có những thành tựu trên nhiều lĩnh vực như thơ, phê bình, tiểu luận, dịch thơ văn sang tiếng dân tộc; lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ…, góp phần kiến tạo văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn, Tạp chí Truyền thống và Phát triển trân trọng giới thiệu khát quát về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà thơ để tưởng nhớ về ông.

Đêm thơ nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn tai tỉnh Bắc Kạn tháng 11/2023 – Ảnh Trương Vũ

        Cuộc sống bề bộn, khó khăn và cả những năm tháng đẹp đẽ, bình dị nơi Núi Hoa đã bồi đắp nên hồn thơ Nông Quốc Chấn. Và chính từ trải nghiệm, quan sát “vườn hoa văn chương” nhiều hương sắc” ấy, một hệ thống các bài viết lý luận phê bình riêng đã được ông khai mở, đúc kết, định hướng đến nay vẫn là những bài học quý báu cho thực tiễn văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

         Gắn bó với thực tiễn dân tộc, am hiểu con người và những điều kiện đặc thù, những điều kiện có thể quyết định sự thành bại của một chủ trương hay một chính sách đã giúp Nhà thơ Nông Quốc Chấn có cái nhìn xa, rộng. Định hướng cho văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số phát triển từ cái nền của cội nguồn truyền thống đi đến hiện đại, ông đã có công lớn trong việc tạo dựng một “mái nhà chung” cho những người làm công tác văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam.

Chân dung Nhà thơ Nông Quốc Chấn và Bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Ông trở thành người đặt nền móng đầu tiên cho nhiều tổ chức và đã từng là lãnh đạo của nhiều cơ quan: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều khóa liên tiếp. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II, Khu Ủy viên Đảng bộ Việt Bắc, Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc, Giám đốc Sở Văn hóa Việt Bắc… Sau khi đảm nhiệm vai trò là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ông đồng thời lần lượt kiêm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa. Sau khi nghỉ công tác ở Bộ Văn hóa năm 1991, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhà thơ Nông Quốc Chấn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật được trao tặng là phần thưởng cao quý ghi nhận những công lao đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong hơn nửa thế ký. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nông Quốc Chấn là dịp để nhiều thế hệ văn nghệ sĩ cùng tưởng nhớ, tri ân công lao và những thành tựu đóng góp của ông như một nén tâm hương dâng lên hương linh nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn – niềm tự hào của văn nghệ sĩ, của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Nhạc sỹ Nông Quốc Bình (giữa), Chủ tịch Hội Văn họcNnghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam, người con cả của Nhà thơ Nông Quốc Chấn tại đêm thơ – nhạc

Theo PGS.TS. Cao Thị Hảo cho rằng: Đóng góp của Nhà thơ Nông Quốc Chấn trong dòng chảy thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Trong dòng chảy thơ dân tộc thiểu số, Nông Quốc Chấn là một tên tuổi có đóng góp ngay ở chặng đầu tiên. Ở thời kỳ đầu (giai đoạn trước 1945), khi thơ dân tộc thiểu số chưa có nhiều thành tựu, Nông Quốc Chấn là một trong những tác giả dân tộc thiểu số đầu tiên có sáng tác thơ ca. Cùng với Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn đã góp phần khẳng định tiếng nói của người dân tộc thiểu số trong công cuộc đấu tranh cách mạng, phản ánh hiện thực gian khổ thời kỳ chiến tranh ở miền núi Việt Nam.

Trong sự nghiệp sáng tác, Nông Quốc Chấn đã viết cả thơ tiếng Việt và tiếng Tày: Tiếng ca người Việt Bắc, Bài thơ Pác Bó, Suối và biển, Việt Bắc đánh giặc, Dọn về làng, Dám kha Pác Bó…Ngoài ra, ông còn viết tiểu luận phê bình văn học, giới thiệu về văn học dân tộc thiểu số: Một vườn hoa nhiều hương sắc, Đường ta đi, Dân tộc và văn hóa…

Nhà thơ Nông Quốc Chấn còn bàn đến nhiều yếu tố văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trong đó ông đặc biệt chú ý đến tiếng nói và chữ viết, vấn đề tâm lý dân tộc và tiếng nói dân tộc, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa để tiếp thu các thành tựu kỹ thuật và công nghệ, nâng cao sự hiểu biết trong nhân dân; vấn đề sáng tạo các thể loại văn học, tứ thơ; vấn đề tìm tòi các hình thức mới; vấn đề nếp sống, phong tục trong đời sống văn hóa của các dân tộc… Các nghiên cứu của ông nhìn chung có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, rất cần có một công trình nghiên cứu dày dặn và đầy đủ hơn để có thể tìm hiểu.

Gia đình Nhà thơ Nông Quốc Chấn – Ảnh: Tư liệu gia đình

Nông Quốc Chấn là nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất của các dân tộc trên đất nước Việt Nam thống nhất. Công trình nghiên cứu của ông không chỉ đem lại lòng tự hào dân tộc trong sự phát triển đất nước, mà còn khơi thông thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Nhớ về ông, chúng ta nhớ đến một tấm gương nghiên cứu văn hóa dân tộc bền bỉ, với trí tuệ mẫn tiệp, tài năng và tình cảm tha thiết với dân tộc, đất nước và nhân dân của mình…

Nhà thơ  Nông Quốc Chấn là một nhà thơ Tày tiêu biểu và cũng là một trong những người đầu tiên đóng góp cho sự hình thành của đời sống lý luận văn học dân tộc thiểu số. Các công trình phê bình, lý luận của ông như kim chỉ nam trong chặng đường đầu tiên mới hình thành của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Nông Quốc Chấn là một trong những gương mặt văn hóa tiêu biểu, đại diện cho tầng lớp trí thức các dân tộc thiểu số trưởng thành trong đấu tranh cách mạng và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Ông cũng là một trong những tác giả dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca”. Ông được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông cũng là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc và có ý thức sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong sáng tác đầu tiên. Với những đóng góp về thơ như vậy, trong bản hợp xướng của thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nông Quốc Chấn xứng đáng có một vị trí nhất định. Chúng ta không khó để nhận ra đóng góp của nhà thơ Nông Quốc Chấn trong dòng chảy thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

Trương Vũ