Cách đây 76 năm, ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi – Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đầu tháng 8/1945, thời cơ cách mạng xuất hiện, những điều kiện cho tổng khởi nghĩa đã đầy đủ. Ngày 11/8, Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Ngay lập tức, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam họp nhận định đây là “cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”. Đêm 13/8, Quân lệnh số 1 phát đi kêu gọi nhân dân toàn quốc “Kẻ thù chúng ta đã ngã gục. Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh. Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà”.
Ngày 16/8, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) với hơn 60 đại biểu, đại diện cho hơn 20 triệu người dân Việt Nam nhất trí chủ trương tổng khởi nghĩa, xác định chính sách đối nội, đối ngoại, quốc kỳ, quốc ca, cử ra Chính phủ cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Hồ Chủ tịch kêu gọi đồng bào cả nước “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Đình Tân Trào, nơi diễn ra Đại hội.
Tại Thái Nguyên, trong ngày 16/8, đội Việt Nam Giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về thị xã. Sáng 20/8, đội quân bao vây, tấn công phát xít Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên. Chiều cùng ngày, tại đây đã diễn ra cuộc mít tinh lớn, Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ, lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Tại Hải Phòng, nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23/8/1945. Trước đó vào ngày 18/8, nhân dân ở 4 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công. Đây là các tỉnh giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Tại Hà Nội, sáng sớm 19/8, đường phố ngập sắc cờ đỏ sao vàng. Các nhà máy, công xưởng, chợ búa, trường học đều đóng cửa. Hơn 200.000 nhân dân nội ngoại thành tập trung trước Quảng trường Nhà hát lớn để dự lễ mít tinh ủng hộ cách mạng. Dưới sự chỉ huy của Xứ ủy Bắc Kỳ, cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình vũ trang, đánh chiếm các vị trí đầu não quan trọng của Hà Nội, như Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Sở cảnh sát, trại Bảo an binh… Khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, Trung ương Đảng thấy đây là một sáng tạo của Xứ ủy Bắc Kỳ nên chỉ thị cho các địa phương nơi nào có điều kiện thì tiến hành khởi nghĩa như cách của Hà Nội.
Tại Huế, ngày 23/8, hơn 150.000 nhân dân xuống đường mít tinh, tuần hành vũ trang buộc chính quyền đầu hàng. Vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ phong kiến Việt Nam. Tại Bảo tàng Lịch sử Cách mạnh Thừa Thiên – Huế hiện còn lưu giữ hình ảnh bằng mô hình về sự kiện vua Bảo Đại thoái vị. Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trao ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu cùng hai thành viên khác gồm Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận là những đại diện cho phái đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời bấy giờ. Lễ tuyên chiếu thoái vị và trao ấn kiếm diễn ra vào chiều 30/8/1945 tại Ngọ Môn (Đại nội Huế) dưới sự chứng kiến của hàng chục nghìn người dân. Với chiếu thoái vị, vua Bảo Đại nói “Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của trẫm. Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.
Tại Quảng Ngãi, đội du kích Ba Tơ tiến về giải phóng thị xã. Trong hai ngày 23 và 24/8, có thêm 19 tỉnh thành giành được chính quyền, bao gồm Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Tân An, Bạc Liêu, Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Yên, Đăk Lăk, Phú Yên, Bình Thuận, Gò Công, Mỹ Tho.
Tại Sài Gòn, ngày 25/8, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít tinh, tuần hành vũ trang khổng lồ, lật đổ chính quyền phát xít Nhật. Sau đó, 13 tỉnh Nam Bộ khởi nghĩa thắng lợi, bao gồm: Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Châu Đốc, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Tây Ninh, Biên Hòa, Sa Đéc, Kon Tum, Sơn La, Cần Thơ, Rạch Giá, Đồng Nai Thượng, Hà Tiên.
Nhân dân Cần Thơ khởi nghĩa giành chính quyền ngày 26/8/1945. Như vậy, chỉ trong hai tuần lễ, tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Trong hơn 60 tỉnh, thành khởi nghĩa, có 4 tỉnh lỵ dọc biên giới phía Bắc là Hà Giang, Lào Cai, Móng Cái, Lai Châu bị phản động, quân Tưởng rồi sau đó là quân Pháp chiếm đóng nên chưa được giải phóng trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
Giản dị trong bộ quần áo kaki, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đứng trước máy phóng thanh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với cả thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập. Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, bản Tuyên ngôn độc lập viết.
Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc. Nó tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông thuở trước. Thời thế đã đổi thay, song chí khí hào hùng của nhân dân ta trong thơ Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư..”, trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi vẫn thắm đượm trong từng lời, từng chữ của Tuyên ngôn. Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân và phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước- nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới- chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu á, từ đây với tư cách người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiên. Ba mươi năm sau ngày “Tuyên ngôn Độc lập”, năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến hành thống nhất nước nhà. Tổ quốc ta vĩnh viễn được độc lập, Nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
NGUYỄN NGA
Tin cùng chuyên mục:
Cần xem xét lại tính hợp pháp Hợp đồng chuyển nhượng đất của ông Châu Văn Ba
Kiên Giang: Chủ Tịch UBND huyện Châu Thành Ban hành Quyết định trả lại hiện trạng đất cho người dân.
Bình Dương Phấn Đấu Trở Thành Trung Tâm Công Nghiệp Dịch Vụ Hiện Đại: Kế Hoạch Phát Triển Đột Phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính Kỳ Vọng Bình Dương Bứt Phá Trở Thành Thành Phố Trực Thuộc Trung Ương Vào Năm 2030