Chất lượng công tác phát triển Đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ths. Võ Châu Thảo
Nhận thức công tác phát triển đảng viên (PTĐV) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng. Tỉnh ủy Bình Dương và cấp ủy cấp huyện trong tỉnh rất coi trọng công tác PTĐV, trong đó chú trọng công tác PTĐV trong DN ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) nhằm tăng thêm sinh lực, sức chiến đấu cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên và đảm bảo “ở đâu có công nhân, ở đó có Đảng”. Vì vậy việc nâng cao chất lượng công tác PTĐV trong các DNNKVNN ở tỉnh Bình Dương là rất cần thiết. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng và một số bài học kinh nghiệm đạt được.
Nhận thức chung về công tác PTĐV trong các DNNKVNN
Công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, công tác PTĐV quyết định chất lượng của mỗi đảng viên, quyết định vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Công tác PTĐV là hoạt động của Đảng liên quan đến đảng viên nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng đặt ra, bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu gồm những nội dung hoạt động cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”, khi tiến hành công tác phát triển đảng “phải nắm vững phương châm PTĐV là trọng chất hơn lượng”. Công tác PTĐV phải kết nạp được vào đảng những chiến sĩ cách mạng đủ tiêu chuẩn như quy định tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể nói, Công tác PTĐV trong DNNKVNN là toàn bộ các hoạt động của các tổ chức đảng và lực lượng có liên quan, mà trước hết là của cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền trong việc tuyên truyền, vận động, tạo nguồn, phát hiện những quần chúng ưu tú là chủ DN và người lao động trong các DNNKVNN, bồi dưỡng, kết nạp họ vào Đảng, rèn luyện thử thách để chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức theo đúng quy trình và thủ tục nhằm tăng cường số lượng, cải thiện cơ cấu, nâng cao chất lượng đảng viên, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bảo đảm sự phát triển của Đảng.
Công tác PTĐV trong DNNKVNN là công tác PTĐV trong các DN với đặc thù là ở đó chủ DN toàn quyền tự quyết với hoạt động của mình, chỉ chịu sự ràng buộc bắt buộc của pháp luật chứ không chịu sự ràng buộc của chủ trương, đường lối của Đảng.
Quan điểm chỉ đạo của Trung ương về công tác PTĐV trong các DNNKVNN
Cùng với việc chú trọng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác PTĐV trong DNNKVNN, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản như: Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là DN tư nhân) và DN có vốn đầu tư nước ngoài”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/02/2008 của Hội nghị Trung ương 6 khóa X “ về nâng cao
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” Kết luận số 80-KL/TW 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị khóa VIII trong tình hình mới”; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 31/01/2003 của Ban Tổ chức Trung ương “về thí điểm việc kết nạp những người là chủ DN tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
Những quy định nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi để các cấp ủy triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiều DNNKVNN. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong DNNKVNN đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của DN; tập hợp, động viên được đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt quy định của DN, yên tâm sản xuất; đồng thời góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về loại hình DNNKVNN đi vào cuộc sống.
Thực tiễn chất lượng công tác PTĐV trong các DNNKVNN tại tỉnh Bình Dương hiện nay
Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với diện tích tự nhiên là 2.695,5 km2; có 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện với 91 xã, phường, thị trấn, dân số của tỉnh trên 2,7 triệu người, trong đó gần 1,3 triệu người từ các địa phương khác trong cả nước đến sinh sống, làm việc và học tập; có hơn 1 triệu người làm việc trong các loại hình DN.
Tính đến ngày 07/9/2023, tỉnh Bình Dương hiện có 31 khu công nghiệp, toàn Đảng bộ tỉnh có 566 tổ chức cơ sở đảng; 2.082 chi bộ trực thuộc với 54.101 đảng viên; 66 tổ chức cơ sở đảng trong DNNKVNN, với 2.963 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 868/1.020 đảng viên, đạt 85,1% chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Nhận thức tầm quan trọng công tác PTĐV trong các DNNKVNN và đánh giá chất lượng công tác PTĐV trong DNNKVNN, Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, đến các chi bộ trực thuộc trong DN tập trung các tiêu chí sau: (1) Kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng chương trình, kế hoạch công tác PTĐV trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh; (2) Chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động về PTĐV trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh; (3) Chất lượng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú trong DNNKVNN trên địa bàn tỉnh; (4) Chất lượng thực hiện kế hoạch, nội dung, hình thức, biện pháp, quy trình công tác PTĐV trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh; (5) Chất lượng tham gia của các đoàn thể, chủ DN và quần chúng ưu tú đối với công tác PTĐV trong DNNKVNN trên địa bàn tỉnh; (6) Chất lượng quần chúng ưu tú và đảng viên, sự hài lòng của chủ DN đối với công tác PTĐV và hiệu quả hoạt động của đảng viên trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh; (7) Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác PTĐV trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Những kết quả đạt được
Thứ nhất, về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch PTĐV trong DNNKVNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được chú trọng.
Quán triệt Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài” và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả. Giai đoạn 2007 – 2010 Bình Dương có Chương trình số 51-CTr/TU, giai đoạn 2011 – 2015, Chương trình 13-Ctr/TU, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Chương trình 16-CTr/TU, ngày 09/6/2016 về “Xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong DNNKVNN” và Kế hoạch số 65-KH/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng mô hình tổ chức Đảng ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Trên cơ sở Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 31/01/2003 của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Công văn số 1239-CV/TU ngày 15/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về thực hiện thí điểm kết nạp chủ DN vào Đảng”, giao các đảng bộ trực thuộc tỉnh rà soát, mỗi huyện, thị, thành ủy, đảng ủy khối các cơ quan và DN tỉnh giới thiệu ít nhất 03 chủ DN, trong đó chọn các đơn vị thí điểm là: Đảng bộ Khối các Cơ quan và DN, Đảng bộ Thành phố Thủ Dầu Một, Đảng bộ Thị xã Dĩ An (nay là TP Dĩ An) và Đảng bộ Thị xã Bến Cát. Tỉnh ủy Bình Dương cũng ban hành Quyết định số 733-QĐ/TU ngày 20/06/2018 “về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2018 – 2020”. Sau khi Đề án được phê duyệt, các cấp các ngành có liên quan đều xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện.
Ban Thường vụ các cấp huyện đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc và các tổ chức Đảng rà soát tình hình hoạt động của tổ chức Đảng, số đảng viên đang làm việc trong DN để có kế hoạch xây dựng tổ chức thực hiện.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động về công tác PTĐV trong các DNNKVNN
Các cấp ủy đảng đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, qua đó tạo nguồn kết nạp Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, làm gương cho quần chúng tự nguyện và tích cực phấn đấu xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn. Các cấp ủy tăng cường tuyên truyền về những lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong DN; nâng cao ý thức chính trị cho quần chúng, cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; tuyên truyền về lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân, người lao động đối với việc đảm bảo an ninh chính trị của địa phương và trong DN; về bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN và người lao động.
Ngoài ra, việc tuyên truyền, giáo dục này cũng được kết hợp chặt chẽ với các chương trình, đề án khác của tỉnh như Đề án “Đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020”, Đề án “Đoàn kết, tập hợp Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025″ mà Tỉnh đoàn đang triển khai thực hiện. Đề án này đã tập hợp thanh niên công nhân và lao động trẻ đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương có độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi.
Để phù hợp với các nhóm đối tượng người lao động khác nhau, việc tuyên truyền đã được rút gọn bớt về nội dung, song vẫn đảm bảo các nội dung chính yếu, bố trí học trong các ngày nghỉ, đặc biệt tỉnh đã “thí điểm triển khai, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thông tin định hướng dư luận… qua mạng xã hội, ngoài ra Đảng uỷ Khối DN tỉnh đã xây dựng mạng nội bộ nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đảng viên, đoàn viên, tổ chức sinh hoạt ngoài giờ hành chính rất thích hợp cho đối tượng người lao động trong các đơn vị kinh tế phải làm việc theo ca, kíp.
Thứ ba, chất lượng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú
Công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên trong DNNKVNN ở Bình Dương được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, đa dạng và linh hoạt.
Các đảng bộ cơ sở căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, căn cứ vào thực tế ở cơ sở để chủ động đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng, từ đó xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho cả nhiệm kỳ và từng năm.
Công tác giáo dục, bồi dưỡng kết hợp với xây dựng nguồn quần chúng ưu tú được các cấp ủy đảng quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Nội dung, phương pháp được vận dụng, cải tiến, điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với từng đối tượng, nhất là về thời gian tham gia các lớp nhận thức về Đảng, các lớp đảng viên mới theo hướng rút gọn về nội dung, bố trí học trong các ngày nghỉ, thí điểm triển khai, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng pháp luật của Nhà nước, các thông tin định hướng dư luận… qua mạng xã hội. Từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2023, các chi, đảng bộ trong DNNKVNN đã tổ chức thí điểm dưới hình thức học trực tuyến cho 277 quần chúng ưu tú là công nhân, lao động trong các DN. Ngoài ra, các cấp ủy đã linh động trong việc liên kết, phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng là quần chúng tham dự lớp nhận thức về Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng đủ điều kiện xem xét kếp nạp vào Đảng theo quy định.
Thứ tư, chất lượng thực hiện các thủ tục, quy trình kết nạp đảng viên; giáo dục, rèn luyện đảng viên trong thời kỳ dự bị
Trên cơ sở làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng; thực hiện đúng nhưng linh hoạt, phù hợp, đơn giản hóa về thủ tục, quy trình kết nạp; phát huy vai trò của các đoàn thể trong công tác phát triển Đảng và quan tâm công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác PTĐV, số lượng tổ chức đảng và đảng viên đã tăng lên qua từng giai đoạn.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ kết nạp mới 555 đảng viên (trong đó, có 05 đồng chí là lãnh đạo, quản lý DN; 457 đồng chí là công nhân trực tiếp sản xuất và 88 đồng chí là thành phần khác), đạt 138,75% so với chỉ tiêu đề ra, nâng tổng số đảng viên đang sinh hoạt ở các tổ chức cơ sở đảng trong các DNNKVNN lên 2.479 đảng viên.
Tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh đã kết nạp được 1.659 đảng viên là công nhân lao động, trong đó có 868 đảng viên là công nhân lao động trong các DNNKVNN đạt 85,1 %, 22 đảng viên là chủ DN, đạt 73,3 %.
Các đảng viên mới là thanh niên công nhân tiếp tục rèn luyện, thử thách theo phân công hướng dẫn của chi bộ đồng thời báo cáo tổ chức đoàn đã giới thiệu về những nhiệm vụ cần hoàn thành trong thời gian rèn luyện, thử thách 12 tháng.
Thứ năm, chất lượng tham gia của các đoàn thể, chủ DN và quần chúng ưu tú đối với công tác PTĐV trong DNNKVNN trên địa bàn tỉnh.
Trong một DN, sự gắn kết tập thể người lao động và tinh thần sẵn sàng cống hiến là những yếu tố cần thiết để phát triển. Các đoàn thể trong DN có vị trí, vai trò rất quan trọng trên các mặt, trong đó nổi bật ở hai nội dung: (1) Tập hợp và kết nối người lao động; (2) Tạo cơ hội, tham gia vận động, giáo dục, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên để phấn đấu, rèn luyện vào Đảng.
Việc xây dựng các tổ chức đoàn thể trong DNNKVNN đã được tỉnh Bình Dương quan tâm ban hành Công văn số 2534-CV/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đaọ của cấp ủy đảng đối với việc thành lập công đoàn cơ sở trong DN”; Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU ngày 12/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 – 2025 và Kế hoạch số 03-KH/BCĐ.ĐACN ngày 20/02/2022 của Ban Chỉ đạo Đề án về thực hiện Đề án “Đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh Bình Dương giai đoạn năm 2021 – 2025”, các tổ chức đoàn thể đã phát huy vai trò trong công tác PTĐV trong DNNKVNN.
Tỉnh đoàn đã có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả để phát triển chi đoàn, chi hội trong DNNKVNN. Như mô hình: “Căn phòng vươn lên – thắp sáng ước mơ”; “Tuổi trẻ chào xuân”, “khéo tay ngày tết”; “Xây dựng đoàn vững mạnh về tổ chức” với kết quả mô hình được triển khai rộng trên toàn tỉnh, theo đó, đã thành lập được 71 chi đoàn, chi hội trong DNNKVNN (45 chi đoàn, 26 chi hội) với 1.202 đoàn viên, ..)
Đến nay Liên đoàn lao động Bình Dương đã thành lập mới 319 tổ chức, đạt 79,7%; kết nạp 11.633 công đoàn viên. Tỉnh đoàn đã thành lập 46 tổ chức, đạt 23%; kết nạp 275 đoàn viên, đạt 27,5%. Ngoài ra, Bình Dương cũng đã xây dựng được 67 tổ chức hội phụ nữ với 1.788 hội viên; 42 đơn vị tự vệ với 620 người và 374 đội thanh niên xung kích với trên 10 nghìn đội viên
Thứ sáu, chất lượng quần chúng ưu tú và đảng viên, sự hài lòng của chủ DN đối với công tác PTĐV và hiệu quả hoạt động của đảng viên trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch số 18-KH/TU, ngày 22/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện công tác PTĐV, nhiệm kỳ 2020-2025, quần chúng do Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các đảng viên chính thức giới thiệu đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục theo quy định, hướng dẫn của Đảng và Điều lệ của các tổ chức chính trị- xã hội.
Chất lượng đảng viên mới trong các DNNKVNN tiếp tục được nâng lên, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Trong đó, có tỷ lệ đảng viên nữ, trẻ và có trình độ đại học, sau đại học… Đại đa số có động cơ vào Đảng đúng đắn, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực, phẩm chất, đạo đức tốt; gương mẫu trong công tác và sinh hoạt.
Thứ bảy, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật
Qua kiểm tra, giám sát, đánh giá phân loại chất lượng đảng viên định kỳ, hàng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên động viên, nhắc nhở, giáo dục, giúp đỡ đối với những đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, chưa thật sự gương mẫu trong công tác và sinh hoạt. Những đảng viên mới kết nạp, nhất là đảng viên trẻ, đảng viên đi làm ăn xa đều được các chi bộ quan tâm, tạo điều kiện chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú mới để tiếp tục sinh hoạt hoặc báo cáo chi bộ xem xét, miễn sinh hoạt tạm thời…trong khoảng thời gian nhất định, đảm bảo đúng quy định.
- Những khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được, công tác PTĐV trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua còn một số hạn chế, khó khăn, như sau:
+ Về hạn chế: (1) Kết quả kết nạp đảng viên trong các DN ngoài Nhà nước không đồng đều giữa các đảng bộ, chưa tương xứng với nguồn lực mà tỉnh đã đầu tư. (2) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PTĐV có nơi, có lúc còn thiếu kiểm tra, giám sát; việc phân bổ chỉ tiêu chưa căn cứ vào điều kiện cụ thể, nguồn để PTĐV; chưa thực sự đẩy mạnh PTĐV trong các loại hình DN; (3) Một số cấp ủy cơ sở, bí thư chi bộ chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, chưa nắm vững các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ. Từ đó, đề ra nghị quyết, kế hoạch và biện pháp thực hiện chưa sát, ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn và PTĐV. Việc đánh giá, nhận xét quần chúng trong một số trường hợp còn cảm tính, cầu toàn, còn nặng xem xét PTĐV theo thứ tự, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý phấn đấu của quần chúng. (4) Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nhận thức về Đảng ở một số nơi chưa thực hiện thường xuyên; nội dung, hình thức chưa theo kịp những diễn biến, tác động tiêu cực nảy sinh trong xã hội; một số đảng viên mới, đảng viên dự bị thiếu tu dưỡng, vi phạm quy định … bị xử lý kỷ luật, xoá tên, từ đó phần nào ảnh hưởng, làm giảm sút niềm tin và ý chí phấn đấu vào Đảng của quần chúng.
+ Khó khăn, vướng mắc và những vấn đề đặt ra trong công tác PTĐV trong DNNKVNN như: (1) Nội dung, giải pháp công tác tuyên truyền chưa có sự sáng tạo, đổi mới nên hiệu quả chưa cao. (2) Động cơ phấn đấu vào Đảng công nhân lao động vẫn là vấn đề khó; (3) Phần lớn chủ DN chưa nhận thức đúng mức về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong DN nên còn né tránh thành lập hoặc tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động; (4) một số tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN đều tranh thủ sinh hoạt ngoài giờ làm việc nên chất lượng sinh hoạt chưa cao.
Những kinh nghiệm thực hiện hiệu quả
Một là, thường xuyên quán triệt cho các cấp ủy, đảng viên và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể về ý nghĩa, mục đích của công tác PTĐV; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhằm đảm bảo tính phát triển, tính kế thừa của Đảng
Hai là, từng tổ chức cơ sở đảng phải có kế hoạch tạo nguồn PTĐV, qua thực tiễn lao động sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập để phát hiện, lựa chọn những người ưu tú, có triển vọng; tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn giúp đỡ để đủ điều kiện kết nạp vào Đảng.
Ba là, đảm bảo chất lượng trong lựa chọn quần chúng ưu tú, tuyên truyền, phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ, giao nhiệm vụ để thử thách, xem xét, đến quyết định kết nạp.
Bốn là, lãnh đạo xây dựng các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên và Công đoàn hoạt động vững mạnh; Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên và Công đoàn) tham gia trực tiếp vào công tác PTĐV ở các tổ chức cơ sở đảng.
Tóm lại, việc PTĐV trong DNNKVNN mang ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh Bình Dương. Đây vừa là yêu cầu tất yếu khách quan, vừa là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, là yếu tố quyết định đến sự phát triển của giai cấp công nhân; phát triển các DN; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Bình Dương thời gian tới.
Tin cùng chuyên mục:
Khẩn cấp cơn bão số 3 mạnh nhất trên Vịnh Bắc Bộ trong 10 năm qua, sức mạnh khủng khiếp của siêu bão YAGI khi nhìn qua vệ tinh
Đấu tranh và bảo vệ “Chủ quyền” trên không gian gian mạng
Rộn ràng ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường
‘Lục bát chân mây’ của nhà thơ Võ Miên Trường và những cảm nhận