Chiều sâu triết lý trong thơ Vũ Hồng

27/04/2024 14:42:34 +07:00

Tiểu luận phê bình

Chiều sâu triết lý trong thơ Vũ Hồng

                                          Bảo Bình

Thơ văn suy cho cùng là đạo lý và khát vọng. Đạo lý giữa nhân sinh và thế giới này, khát vọng về những thiện lương và cao đẹp. Những đạo lý và khát vọng đó được thẩm mĩ hoá, hình tượng hoá, trừu tượng hoá bằng ngôn từ nghệ thuật bởi biệt tài của người nghệ sĩ.Với khả năng tư duy và phương thức sáng tạo của riêng mình, họ phôi thai và cho ra đời những đứa con tinh thần độc nhất vô nhị”. Và dù, những đứa con đó có chuyển động đến đâu, cũng sẽ không ngừng toả ra mùi hương riêng được ủ từ chính họ, không lẫn cùng ai được. Thơ Vũ Hồng là một dạng như thế, chiều sâu triết lý trong thơ anh là một loại hương đặc biệt, hương của ngẫm suy bởi tình yêu cuộc sống và hương của tâm cảm dành cho đồng bằng.

Nhà văn Vũ Hồng

Ta sẽ mở đầu bằng “Tâm sự Hầu Vương”, một bài thơ được cảm tác từ tích cũ.

Trải qua mấy độ thu tàn

Ai đem sương giá rắc ngang lưng trời

Nỗi Hầu Vương, xót lệ rơi

Ngũ hành sơn ấy bể đời trần luân

Hầu Vương Tề thiên đại thánh – được hấp thụ linh khí, tinh hoa của đất trời, nhật nguyệt – bản lĩnh siêu phàm, thần thông biến hoá, nhưng rồi cũng phải cam đành vùi mình dưới Ngũ hành sơn, bởi sự trừng phạt của Như Lai Phật Tổ do phạm trọng tội. Để rồi, Tiếc cho một thuở tung hoành/ Tự do giữa cõi non xanh xá gì/ Mắc lời lừa dối từ bi/ Để giờ ôm đá xanh rì cỏ rêu” nếu không náo loạn thiên đình, thì Tôn Ngộ Không làm gì bị trấn giữ? Và nếu không bị trấn giữ, Tôn Ngộ Không sẽ không thể lĩnh hội được sức mạnh của Như Lai, cũng như điều chỉnh thái độ và hành vi của mình. Có thể liên tưởng, dù một người có tài cán cỡ nào, coi thường phép nước thì sẽ không thể thoát tội, lúc “ôm đá xanh rìấy phải chăng là lúc ngục tù để soi rọi bản thân? Đó cũng được xem là nhân quả.

Nẻo đời xưa, mắt vời trông

Bóng người thiên lý tang bồng tái sinh

Cho hay tình lại gặp tình

Hào quang còn đọng một vành kim cô

(Tâm sự Hầu Vương)

Có hào quang nào còn mãi? Vạn vật đổi thay theo từng phút từng giây, hà cớ tấm thân bé nhỏ của con người lại nằm ngoài qui luật đó hay sao? Cái “vành kim cô” ấy thực ra ai cũng có một cái trên đầu, chỉ là người vượt qua được thì đắc đạo, thành nhân; kẻ không vượt qua được thì khốn cùng, đau đớn trong bể khổ bởi kiêu ngạo, sân hậndục lạc. Triết lý sống cao thâm mà Ngô Thừa Ân đã dụng ý sắp đặt trong hệ thống nhân vật bất hủ của mình ở Tây Du Ký lần nữa quay về, nhẹ nhàng bật lên từ lời thơ Vũ Hồng. Ở đời, hào quang có đó rồi mất đó; vinh nhục tựa bàn tay, xấp ngữa vô thường; ngày nào tung hoành ngang dọc, giờ đây bó gối non cao. Mượn một tích kinh điển xưa để tâm sự chuyện ngày nay, tác giả đã khéo léo đan xen giữa các lớp từ cũ mới cùng lối thơ truyền thống, khiến những âm hưởng réo rắt như chạm vào tâm tư người đọc, giăng mắc nơi họ những suy tư về Đời, về Người.

   Tình bạn, tình quê cũng là một đề tài được xuất hiện nhiều nơi thơ của thi sĩ đất Bến Tre. Dìu dặt như tiếng lòng sâu lắng, nồng nàn những yêu thương vời vợi, khắc khoải những trầm mặc nhân tình… thơ anh mở ra những bước đi chậm rãi, phiêu bồng được dẫn dắt và toát lên từ một tâm hồn đẹp.

Chuông chùa xa giọt trầm buông

Mấy vì sao mảnh rơi lòn mái quê

Thì thôi khói rạ tái tê

Lim dim làng mạc bốn bề quạnh hiu

(Đêm quê)

Làng mạc quê nhà luôn là hình ảnh thân thuộc trong lòng những người con đã rời xa. Làng quê với đồng rạ, mái lá, với âm vang trong vắt tiếng chuông ngân buổi chiều tà… nào có thể phai trong tâm trí người ra đi? “Đêm quê” bình lặng, an ổn, tịnh tĩnh là vậy, nhưng thẳm sâu ta nghe có gì như tiếng thở buồn, “tái tê” trong sự “quạnh hiu” của “giọt trầm buông”… miêu tả về nông thôn, tác giả chọn từ ngữ bình dị để phù hợp ngữ cảnh, đồng thời cho thấy sự tinh tế của người cầm bút. Tuy vậy, cách chơi chữ thì thật là sắc sảo, “Mấy vì sao mảnh” mảnh thôi, thường thôi, không phải Sao Kim, hay Bắc Đẩu gì đâu. Vì là “mảnh” nên mới có thể “rơi lòn mái quê”, một kiểu rơi độc đáo của Sao, phải “lòn” mới vào được mái , và vì “mảnh” nên hẳn là một ánh sáng yếu ớt. Ngậm ngùi cho dân quê, thương bà con mình, hồng ân luôn đến muộn và mng mnh.Thế mới thấy cái tài sắp chữ luồng ý của nhà thơ.  

    Thi nhân “Tiễn bạn” từ xưa đã nhiều, mỗi người mỗi kiểu chia ly, mỗi cách tiễn chào. Tri kỷ là một tình cảm đẹp, thi nhân mặc khách thì càng không thể không có thứ tình khắc cốt ghi tâm này.

Tiễn bạn chiều vàng rơi bến sông

Người đi hồ hải cõi non bồng

Ngàn lau tóc trắng hong sương khói

Nhà có buồn tênh, ai ngóng trông

(Tiễn bạn)

Tiễn bạn, tức là sẽ xa bạn. Một tâm lý trống trải, chơi vơi nơi lòng khiến cảnh sắc cũng “vàng rơi” nơi “bến sông”. Trong khói sương là mộc mạc một triền lau trắng mờ ảo đong đưa, “lau” đang hong tóc”, mái tóc bạc trắng tinh khôi, hay lau cũng đang vẫy chào mà bạc đầu thương nhớ? Đúng là Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?” (Nguyễn Du), vừa tiễn bạn xong, thì nhà cửa đã trống vắng, “buồn tênh”; vừa tiễn bạn xong, đã bắt đầu ngóng trông”, chờ đợi. Đó chính là cái tình của thi nhân, hay cái tình của người đồng bằng? Bến sông, nơi có cây cầu nhỏ, nơi có chiếc xuồng con, nơi đón và đưa những tình thân, bè bạn, nơi rộn ràng vui cũng là nơi vắng lặng để thương sầu… bến quê của người đồng bằng là vậy. Tác giả đã mượn cảnh ngụ tình đầy khéo léo, kết hợp lối miêu tả ẩn dụ sắc sảo, làm nên một cuộc tiễn đưa đầy tâm trạng, luyến thương. Và điều này, phù hợp thay với tính cách con người vùng sông nước, họ sống thuỷ chung, son sắc, nghĩa tình. “Bạn về dệt trọn kiếp thơ/ Thân tâm nhả kén mù mờ nhân gian/ Thì thôi rượu cứ chảy tràn /Tay run gió thoảng bóng nàng chìm đâu”(Viết ở quán Cây Táo) thi nhân tiễn biệt thi nhân, mượn ly rượu đầy để tỏ nỗi lòng. Ly rượu nồng cay chính là vị của tình bạn, vị của đời phiêu lãng.

Cạn chén này đi rồi bạn về

Bạn ở kinh kỳ ta ở quê

Phương Nam nhuốm khóc tình tri kỷ

Bạn bước xa dần, ta tái tê

(Người Phương Nam)

Chợt nhiên, tôi nhớ về bốn câu thơ cũng trong “Tiễn bạn” của Trịnh Bửu Hoài Ra đi đâu phải không về nữa/ Mà khói hoàng hôn cay mắt nhau/ Mà chiều như rụng theo chân bước/ Và nắng đường xa bỗng bạc màu. Cả Vũ Hồng, cả Trịnh Bửu Hoài, và cả những thi nhân từ xưa cho đến nay, họ trọng quý tình tri kỷ, và buổi tiễn đưa luôn là “hoàng hôn”. Cảm giác của hết ngày và nhường lại một không gian u tịch của bóng đêm, sự liên tưởng khiến lòng người rười rượi, càng thẳm buồn hơn khi phải chia xa người bạn quý. Hay với Hàn Mặc Tử, cũng khác chi? Nhớ bạn, thi sĩ như bung toả lồng ngực mà thốt lên Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!/ Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời/Mây nước bao la tình lẳng lặng/ Gió sương mờ mịt nhớ chơi vơi (Nhớ Trường Xuyên) vậy đó, cái tình cao đẹp, thẳm sâu nơi trái tim dạt dào cảm xúc của người thơ, luôn đong đầy là thế.                                    

Đặc biệt, với “ Người phương Nam”, bài thơ được tác giả viết để kính hương hồn những người đi mở đất. Chúng ta sẽ lần nữa hồi ức về những cần lao, gian khó một thời, để thấy cái ý chí ngút trời, cái bản lĩnh xông pha của cha anh mình ngày trước.

Trăng phương Nam như tan trong sương

Người phương Nam cạn chén hồ trường

Từ giã kinh kỳ bạt lau lách

Đuổi thú hung tàn dạt biển Đông

(Người Phương Nam)

Phải là “cạn chén hồ trường” mới đúng kiểu uống rượu của phương Nam. Thật ra, đó là kiểu ăn uống phóng khoáng đậm chất miền Tây. Dọn lên mâm lên bàn, thức ăn thức ung phải đầy ra, vung tô vung đĩa mới gọi là tất dạ với lòng thành hiếu khách. Rượu nâng lên để xuống ly phải cạn mới gọi là tôn quý nhau. Rượu miền Tây được ủ từ gạo, được lên men và chưng cất kỹ lưỡng nên hương nồng, vị đậm. Uống vừa đủ, sẽ làm ấm dạ, thức ăn dễ tiêu hoá, giúp hưng phấn, tốt cho tim mạch và an thần. Rượu lễ, rượu tình đều là nét văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam ta. Và người đồng bằng thì nuôi dưỡng hồn quê bằng ly rượu nồng, kết chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

Người phương Nam ngày xưa áo tơi

Dòng Hàm giang cuộn sóng không lời

Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu

Rượu say tim bốc đến tận trời

(Người phương Nam)

Rừng thiêng, nước độc, thú bầy/ muỗi kêu như sáo thổi/ đỉa lội đầy như bánh canh (Ca dao), phương Nam buổi đầu thế, nhưng có xá gì? Từ giã kinh kỳ bạt lau lách/ Đuổi thú hung tàn dạt biển Đông, rồi “Người phương Nam đi là cứ đi/ Một chiếc ghe con có sá gì”, với “áo tơi” vàghe con”, với khí phách cùng tinh thần vượt khó, quyết chinh phục miền đất mới, thế là “cứ đi” thôi. Nói được làm được, cha anh ta đã khai khẩn hoang, mở mang bờ cõi và dựng xây nên những vùng đất trù phú, làm nơi sinh cơ lạc nghiệp sung túc cho đồng bào. Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu những cái tên đã lưu danh sử sách về thời kỳ mở đất phương Nam.

Đời lắm phong trần nên lỗi hẹn

Không cần danh vị, bỏ vinh quy

(Người phương Nam)

Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rể sinh sôi, Puskin đã nói vậy. Và ở đây, nơi thơ Vũ Hồng, ta nhìn thấy những mảng màu cuộc sống, chân thật và sinh động. Người phương Nam “Trọng khí khinh tài”, họ “phong trần” với khói rạ, hương đồng, tâm trí mênh mang cùng sông nước, tâm hồn vương vít tiếng chim muông. “Áo mão cân đai” chẳng màng, Tiền tài như phấn thổ/ nhân nghĩa tựa thiên kim (Ca dao), đó chính là nét tính cách điển hình của người đồng bằng. H chăm chỉ, hiền lương, hào sảng, nghĩa tình.

Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chếch choáng
Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu

(Người phương Nam)

Người nghệ sĩ nuôi ủ ý tưởng, chớp nhanh cảm hứng thăng hoa sáng tạo nhằm khắc hoạ hoặc miêu tả một bức tranh, một hình tượng, một chân lý nơi đời sống. Tôi nghĩ, ngoài việc xuất thân là người phương Nam, ở độ sâu và rộng nào đó, nhà thơ đã ngâm mình đủ lâu trong gió trời, nước sông và đất mẹ đồng bằng, để rồi không thể không quan hoài, thương cảm và trân quý vùng đất, con người nơi đây. Cách xây dựng hình tượng gần gũi mà đặc trưng, “say trọn”, “buồn sâu” để thấy họ sống “phơi bụng” thế nào? Họ như cây lúa ngoài ruộng, chín thì vàng đỏ, sống thì xanh mướt. Người phương Nam không biết hoặc ít biết giấu đi cảm xúc, nên thường không biết sống “hai mặt”, cứ buồn vui sướng khổ gì đều bộc lộ hết. Chất phác, thật thà là vậy. Ca dao có câu Trời sinh cây cứng lá dai/ gió lay mặc gió chiều ai không chiều họ là thế đó, trượng nghĩa và không khuất phục. Hết ngày hết việc, rửa sạch bùn đất, họ biến thành tài tử, dạo đàn lên câu vọng cổ mùi mẫn, đàn bà ru con cất giọng ngọt như mía lùi.Nhà bên này cách con mương nhỏ, nghe tiếng đàn nhà bên mà say đắm, ngất ngây. Đồng bằng với Trai anh hùng, gái thuyền quyên (Truyện Kiều), nên ai đi xa mà chẳng luyến lưu? chẳng nhớ về những thân thuộc “Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu?

Với tôi, Người phương Nam” không chỉ là kính nhớ hương hồn người đi mở đất, mà còn là bản nhạc hùng tráng về nhuệ khí đồng bằng, sự gắn kết hài hoà giữa thiên nhiên và con người. Ở đó, ta bắt gặp một văn hoá sống thuần khiết vô mưu, chịu thương chịu khó; một tính cách đồng bằng đạo nghĩa, sắc son. Và, đặc biệt hơn, tôi nghĩ ẩn sâu trong lớp vỏ ngôn từ phải là lớp nghĩa mới, về một điều sâu xa được nhắn gởi nhẹ nhàng, cha anh mình đã sống thế đó, chúng ta hôm nay nên sống thế nào?

Ngẫm sâu để rung cảm theo từng âm điệu trầm bổng nơi thơ Vũ Hồng, để thấy độ thâm thuý trong từng con chữ. Những ý niệm về Đời, về Người, về vùng đất và những nét văn hoá đặc trưng miền Châu thổ đã được thoát thai chỉnh chu, trí tuệ và sắc sảo. Thi nhân là chủ thể linh hoạt nhất trong việc dùng từ dụng ý. Và tác giả đã làm tốt điều này, từ ngữ cổ kim đều được anh trộn lẫn, cả nét cổ điển lẫn chất hiện đại trong thi pháp cũng được sử dụng hài hoà, đảm bảo độ đa tầng, thắm sắc.

Eptusenko – nhà thơ của nước Nga đã từng nhận định Thơ ca đồng thời song hành với con người chức năng thức tỉnh lương tri đang ngủ” phải chăng, bằng những vần thơ ấm mượt, xúc cảm với những triết lý sống được ẩn chứa tinh tế, thi sĩ của Bến Tre muốn thức tỉnh chúng ta điều gì đó?

Cần Thơ, ngày 29/2/2024