Khi công nghệ “định đoạt” tương lai của báo chí

16/07/2023 19:52:56 +07:00

Từ năm 1962, nhà lý luận truyền thông nổi tiếng, giáo sư người Canada Marshall McLuhan đã đưa ra lý thuyết “Phương tiện chính là thông điệp” (The medium is the message). Theo ông, dạng phương tiện truyền thông được sử dụng để chuyển tải thông điệp cũng quan trọng như chính bản thân thông điệp. Lý thuyết này cho đến nay càng được minh chứng rõ nét trong nền báo chí của kỷ nguyên kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, khi công nghệ – hay “phương tiện” – đang “định đoạt” cả cách thức và xu thế phát triển của báo chí. Bài viết dưới đây sẽ mô tả những xu thế nổi trội của nền báo chí tương lai khi được công nghệ “dẫn đường”.


Công nghệ Thực tại ảo (Virtual Reality):

Thực tại ảo hay còn gọi là thực tế ảo (virtual reality -VR) là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập bởi con người, do con người chủ động thiết kế qua các phần mềm chuyên dụng, được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc thông qua kính thực tại ảo nhằm đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem như họ đang ở trong chính không gian đó. Để gia tăng tính trải nghiệm môi trường, các môi trường giả lập còn được tích hợp thêm cả các yếu tố đánh thức giác quan như âm thanh, mùi hương…
Từ tháng 9/2014, tờ Des Moines Register đã trở thành một trong những đơn vị báo chí đầu tiên trên thế giới đưa một phóng sự báo chí vào thế giới thực tại ảo, sử dụng kính Oculus VR. Dự án đột phá này có tên gọi “Harvest of Change,” nói về một trang trại ở Iowa, Mỹ đã trải qua bốn thế hệ trong cùng một gia đình. Người xem đeo kính VR và “bước vào” trang trại Dammann có tuổi đời cả thế kỷ nhờ video 360 độ và hình ảnh thực tại ảo.
Năm 2015 xu hướng báo chí thực tại ảo ra mắt khá mạnh mẽ với những tác phẩm tiêu biểu đến từ các hãng thông tấn, tờ báo lớn, như “Seeking home” (Tìm nhà) của AP thử nghiệm công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality-AR) về cuộc sống bên trong khu trại tị nạn Calais ở Pháp; “Inside North Korea” (Bên trong Bắc Triều Tiên) của ABC News với cuộc khám phá 5 ngày của phóng viên tại đất nước cô lập Triều Tiên, hay “The Displaced” (Những người tha hương) của New York Times, theo chân 3 đứa trẻ tị nạn, phải rời bỏ quê hương ở Syria, Ukraine và Nam Sudan vì chiến tranh…
Năm 2016, tờ The Washington Post đã đăng tải câu chuyện “thực tế ảo tăng cường” cho chuyên đề về vụ Freddie Gray, dẫn dắt bạn đọc từ vụ rượt đuổi của cảnh sát cho tới cái chết của thanh niên da màu Gray gây phẫn nộ tại Mỹ hồi năm 2015. Gần đây hơn, năm 2017, The New York Times trình làng serie video 360 độ có tên gọi “Cuộc sống trên sao Hoả”, tái hiện cuộc sống của các phi hành gia NASA hiện đang sống trong môi trường giống như sao Hoả trên khu vực núi lửa Mauna Loa ở Hawaii.
Có thể nói, công nghệ thực tại ảo là cơ hội khổng lồ để các nhà báo đưa công chúng tham gia và đắm chìm trong tác phẩm của mình. Khi công nghệ 3D ngày càng tiên tiến hơn, các nhà báo có thể phát triển nhiều tầng lớp chuyện trong một môi trường duy nhất. Công chúng sẽ không còn được dẫn dắt theo sự tiến triển tuyến tính nữa, mà có thể lựa chọn những con đường khác nhau để tiếp cận câu chuyện khi họ được tự do khám phá không gian ảo, tự lựa chọn “cuộc phiêu lưu” của chính mình với báo chí. Chẳng hạn, một tác phẩm báo chí thực tại ảo về một cuộc biểu tình đòi tăng lương tối thiểu có thể cho phép bạn đọc lựa chọn đi theo nhánh biểu tình nào, hay quyết định đứng về phía những người phản đối cải cách lương.
Megastory – Gói tin tức đa phương tiện
Sự tiến bộ của công nghệ đã cho phép các siêu tác phẩm báo chí (Megastory) ngày càng trở nên đồ sộ hơn và cũng chi tiết hơn. Một bài Megastory giờ đây không đơn giản là vài ngàn từ kèm theo ảnh, video hay đồ hoạ. Sử dụng nhiều công nghệ, phần mềm tiên tiến, các Megastory kết hợp tất cả những phương tiện nghe, nhìn có thể để cách trình bày cũng như nội dung trở nên hấp dẫn, thu hút hơn. Một siêu tác phẩm báo chí sẽ vừa mang giá trị nghệ thuật nhờ những sáng tạo về hình ảnh tác động tới thị giác, vừa mang giá trị thông tin cao, nhờ tích hợp nhiều phương tiện truyền tải. Và chỉ trong tương lai gần, các Megastory được tích hợp video 360 độ và sử dụng công nghệ thực tại ảo sẽ trở nên phổ biến, chứ không chỉ là sản phẩm đặc biệt của một số cơ quan báo chí lớn như hiện nay.
Khi đa phương tiện được chú trọng ở cấp độ cao, cụ thể là âm thanh, video, đồ họa… không chỉ mang tính minh họa và bổ sung thêm thông tin cho văn bản mà bản thân chúng có tính độc lập tương đối, thậm chí có thể đứng riêng thành một tác phẩm báo chí thì khi đó những gói tin tức đa phương tiện (multimedia newspackage) xuất hiện. Không chỉ là một “megastory”, gói tin tức đa phương tiện là một hình thức thông tin có khả năng tích hợp tất cả các yếu tố đa phương tiện, trong đó, mỗi yếu tố đều hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, nhưng khi kết hợp lại với nhau, chúng lại có khả năng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau làm nổi bật chủ đề chung. Đề tài của gói tin tức thường xoay quanh các sự kiện lớn, có diễn biến phức tạp. Gói tin tức có dung lượng lớn và được trình bày trong một trang web theo định dạng tuyến tính hoặc phi tuyến tính.
Các tờ báo lớn trên thế giới là những người đi đầu trong giới thiệu gói tin tức đa phương tiện với công chúng. Nhiều tác phẩm đã gây hiệu ứng rất đặc biệt như: “10 years after Katrina” (10 năm sau siêu bão Katrina – năm 2015) của The New York Times; Tác phẩm “Rebuilding Haiti” của tờ Rue89 còn là một gói tin tức đa phương tiện đạt đến trình độ tương tác rất cao với bạn đọc. Tác phẩm đưa công chúng tới với thực trạng đất nước Haiti nhỏ bé sau thảm hoạ động đất 4 năm về trước, và ở mỗi chương, đều có những câu hỏi khảo sát bạn đọc về giải pháp với những vấn đề tại Haiti sau thảm hoạ. Với mỗi phương án, tác phẩm lại mở tiếp ra thông tin, để rồi lại tiếp tục khảo sát để giúp bạn đọc đi đến tường tận vấn đề.
Báo chí đa nền tảng (Multi-platform journalism). Chỉ báo in, truyền hình hay báo điện tử dựa trên nền tảng là các thiết bị máy tính, máy tính bảng và điện thoại di động thì vẫn chưa đủ. Báo chí kỷ nguyên công nghệ tiến nhanh như vũ bão đang hướng tới những nền tảng mới, chưa thông dụng như các thiết bị thông minh đeo trên người (smart wearables), bao gồm vòng đeo tay theo dõi thể lực, tai nghe, đồng hồ thông minh hay kính…
Những nền tảng mới sẽ thay đổi cách thức mà báo chí cung cấp nội dung, cách mà nhà báo đưa tin hay kể câu chuyện của mình. Báo chí chắc chắn sẽ là một trong những lĩnh vực đi tiên phong trong kỷ nguyên “Internet of things” (Internet của mọi vật), kỷ nguyên mà vạn vật đều kết nối với nhau và có thể đáp ứng những gì con người cần và muốn một cách thông minh và nhanh chóng, trong đó đương nhiên có thông tin.
Đài CNN từng xây dựng các ứng dụng cho kính thông minh Google (Google Glass) và Samsung Gear. Độc giả của CNN cũng được sử dụng nền tảng nội dung iReport, hoạt động trên Google Glass. Sau thất bại của Google Glass, nhiều loại kính thông minh, kính thực tại ảo đang trở thành trào lưu mới. Thậm chí, giới công nghệ đã dự đoán về sự thịnh hành của các loại lense mắt (kính áp tròng) thông minh, mở ra những con đường tiếp cận mới của báo chí tới công chúng trong tương lai.
Trí tuệ nhân tạo và phóng viên robot
Hồi tháng 2 năm nay, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đã sử dụng phóng viên robot tham gia đưa tin tại Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 đến với bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Phóng viên robot của Yonhap được thiết kế viết tin dựa trên phần mềm được lập trình với những thuật toán tinh vi, có thể tổng hợp thông tin một cách tự động từ các số liệu do Ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2018 cung cấp. Việc sử dụng robot viết tin giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho phóng viên, tạo điều kiện cho họ tập trung viết những bài phân tích mà chỉ con người mới có thể làm được. Chỉ cần 1-2 giây, phóng viên robot có thể hoàn tất phần viết tin và tự động đẩy lên trang web của Yonhap ngay sau khi nội dung thi đấu ở môn thể thao nào đó kết thúc.

Tại Mỹ, tờ Washington Post cũng đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo tự chế của mình với robot Heliograf tại Thế vận hội Rio (Brazil) năm 2016. Khi đó, Heliograf đã sản xuất khoảng 300 tin ngắn và các cảnh báo. Cùng năm, tờ Post đã sử dụng robot phóng viên này tham gia các chiến dịch đưa tin trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ, giải Bóng bầu dục các trường trung học ở khu vực thủ đô Washington D.C; sản xuất ra những câu chuyện và dòng tweet đăng trên trang Twitter của báo.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cũng đã sử dụng các robot để tự động hoá việc đưa tin về các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, trong khi tờ USA Today dùng phần mềm thông minh để tạo ra các video ngắn.
Những cơ quan truyền thông đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligent – AI) cho biết, trí tuệ nhân tạo giúp nhà báo làm việc hiệu quả cao hơn thay vì cướp việc của họ. Hãng AP ước tính, công nghệ AI giúp giải phóng tới 20% thời gian làm việc của phóng viên hãng khi đưa tin về hoạt động tài chính của các công ty và làm chính xác hơn. Trong tương lai, robot phóng viên cũng có thể thay thế hoặc hỗ trợ con người tác nghiệp tại những nơi nguy hiểm như chiến trường, nơi xảy ra thiên tai, thảm hoạ.
Bức tường phí (Paywall)
Tại Việt Nam, người đọc vẫn quen với việc nghiễm nhiên đọc báo mạng miễn phí, nhưng trên thế giới, nhiều tờ báo lớn như Washington Post, Wall Street Journal, Strait Times, New York Times, Foreign Policy… đã đẩy mạnh việc buộc công chúng phải trả tiền cho những nội dung họ muốn tiếp cận.
“Paywall” (bức tường phí)- là bức tường ngăn cách giữa nội dung và công chúng – đã được dựng lên ở nhiều tờ báo mạng điện tử lớn, người đọc phải đăng ký và đóng một khoản phí thì mới được đọc thông tin. Nhưng trong kỷ nguyên mà thông tin hiện diện ở khắp mọi nơi, đầy rẫy trên các trang mạng xã hội, thì để dựng lên một “bức tường phí” hoạt động hiệu quả, tạo ra lợi nhuận, các tờ báo buộc phải tạo ra những giá trị mới, những nội dung đáng đọc, đủ khiến công chúng phải bỏ tiền để sở hữu.
Ngược lại, nguồn thu với báo điện tử luôn là đề tài nóng với các cơ quan báo chí, trong bối cảnh báo in đang phải vật lộn để tồn tại. Việc thu phí độc giả vừa là sức ép, vừa là trách nhiệm để các cơ quan báo chí, các nhà báo nỗ lực tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, đủ sức hấp dẫn công chúng, kéo họ trở thành những khách hàng thường xuyên, giống như với những bạn đọc dài hạn trong kỷ nguyên báo in trước đây.