Văn phòng Tạp Chí Truyền thống và phát triển tại Kiên Giang có nhận đơn của ông Lưu Kỳ Vịnh, ấp Phước Chung, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, Kiên Giang yêu cầu Ban Quản lý rừng Kiên Giang, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang phục hồi Hợp đồng giao khoán đất rừng cho ông năm 2023 tương đương với diện tích giao khoán đất rừng năm 2015 trong vùng dự án thuộc tiểu khu AS ấp An Cư, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang, vì Hợp đồng giao khoán năm 2023 bị mất diện tích đất từ 2,12ha năm 2015 còn 2,04ha năm 2023.
Theo nội dung đơn khiếu nại của ông Vịnh: Ngày 19/10/2015, ông có ký hợp đồng giao nhận đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Kiên – Hà Hải (bên A). Tổng diện tích đất nhận khoán là 2,12ha, trong đó diện tích có rừng phải bảo vệ là 2,12ha. Vị trí đất nằm trong vùng dự án thuộc tiểu khu AS ấp An Cư, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang. Đến ngày 11/12/2023, ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc phụ trách và ông Ngô Thành Nam, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng Kiên Giang tự ý đo đạc và soạn sẵn hợp đồng khoán số: 23/HĐ-BQL ngày 11/12/2023 với tư cách là Ban quản lý rừng Kiên Giang. Diện tích đất ghi trong hợp đồng là 2,04ha, vị trí Lô 26, Khoảnh 3, Tiểu khu 1, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang. Ông Trí và ông Nam không có gửi bất cứ thông báo nào cho ông là bên nhận khoán cũng như khi đo đạc đất không có mời ông đến chứng kiến. Diện tích đo đạc và diện tích thực tế với hợp đồng ban đầu có chênh lệch, diện tích đất giao khoán ban đầu là 2,12ha, còn diện tích ghi trong hợp đồng ngày 11/12/2023 là 2,04ha. Đồng thời nội dung hợp đồng giao khoán lần sau (ngày 11/12/2023) khác với nội dung hợp đồng giao khoán trước (ngày 19/10/2015), ảnh hưởng đến quyền lợi của ông là bên nhận khoán. Nội dung hợp đồng trước đây (ngày 19/10/2015),ông được các quyền lợi như: Ở phần 2 của Điều 3 quyền và nghĩa vụ của bên B, là người nhận khoán, ông được sử dụng cây nông nghiệp lâu năm làm cây trồng chính rừng phòng hộ hoặc trồng xen với cây rừng bản địa lâu năm theo thiết kế trồng rừng do bên giao khoán lập, Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang phê duyệt. Ở phần 2 của Điều 3 quyền và nghĩa vụ của bên B, ông được hưởng 100% sản phẩm khai thác từ cây phù trợ, cây trồng xen, sản phẩm tỉa thưa, nhưng phải đảm bảo độ tàn che của rừng trên 0,6 sau khi tỉa thưa. Ở phần 5 của Điều 3 quyền và nghĩa vụ của bên B, ông được sử dụng tối đa không quá 20% diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp theo sự hướng dẫn của bên giao khoán. Ở phần 6 của Điều 3 quyền và nghĩa vụ của bên B, ông được phép sử dụng một phần đất nhận khoán không quá 200m² làm nhà ở để trông nom khu rừng nhận khoán. Nhưng phải được bên giao khoán thỏa thuận bằng văn bản và phải đăng ký với UBND sở tại. Tất cả những quyền lợi nêu trên không có thể hiện trong hợp đồng giao khoán số: 23/HĐ-BQL ngày 11/12/2023. Trường hợp này ông bị thiệt hại rất nhiều quyền lợi chính đáng. Trong việc cấp đổi hợp đồng mới này, ông Ngô Thành Nam tự ý điện thoại mời ông đến nhà riêng của ông Nam vào buổi tối để ký hợp đồng. Do ông là người lớn tuổi và không thông suốt luật pháp, không có trình độ nhận xét về mọi quyền lợi của mình trong bản hợp đồng mới, nên ông đã ký tên vào hợp đồng mới. Sau đó, khi xem lại nội dung hợp đồng mới thì phát hiện bị mất những quyền lợi nêu trên và diện tích đất khoán ghi trong hợp đồng mới là chênh lệch với diện tích đất khoán trước đây. Ông Vịnh đã gửi đơn yêu cầu đến các cơ quan chức năng, yêu cầu xem xét lại toàn bộ nội dung vụ việc, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng về quyền lợi của ông cũng như diện tích đất giao khoán bị mất.
Chuyên mục Bạn đọc-Pháp luật Tạp Chí Truyền thống và Phát triển sẽ theo dõi diễn biến của vụ việc để kịp thời thông tin đến bạn đọc.
Nhóm phóng viên: Tạp chí TTPT
Tin cùng chuyên mục:
Khẩn cấp cơn bão số 3 mạnh nhất trên Vịnh Bắc Bộ trong 10 năm qua, sức mạnh khủng khiếp của siêu bão YAGI khi nhìn qua vệ tinh
Đấu tranh và bảo vệ “Chủ quyền” trên không gian gian mạng
Rộn ràng ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường
‘Lục bát chân mây’ của nhà thơ Võ Miên Trường và những cảm nhận