Nghệ sĩ nhân dân Hữu Quốc: “Có duyên cùng kép lão”

08/03/2024 13:50:35 +07:00

Nghệ sĩ nhân dân Hữu Quốc: “Có duyên cùng kép lão”

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hữu Quốc tên thật là Nguyễn Hữu Quốc anh đã rất thành công và đã được khán giả biết đến với nhiều vai diễn nhưng đặc biệt nhất vẫn là những vai “kép lão”.

Tôi hẹn gặp anh vào một buổi chiều, tại quán ăn Thái Ship địa chỉ 001 Lô K chung cư Ngô Gia Tự, đường Sư Vạn Hạnh, phường 2, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Và được biết quán này cũng là quán của anh kinh doanh, sau khi cởi bỏ lớp son phấn, rời ánh đèn sân khấu trở về làm ông chủ nhỏ.

Nhìn anh loay hoay hớn hở chuẩn bị những món đồ ăn cho khách mà tôi cứ bị cuốn theo, bởi vì tôi không nghĩ một người nghệ sĩ nổi tiếng như anh mà lại có thể là một đầu bếp thật “cừ” đến như vậy. Nơi đây giới văn nghệ sĩ thường đến thưởng thức rất đông, không biết có phải vì cái duyên của anh đã gây thương mến cho những người đồng nghiệp, hay bởi vì anh là một người anh lớn trong nghề nhưng lại rất mộc mạc dễ gần và đáng yêu.

Tôi bước đến gần anh hơn và hỏi: “Được biết anh vừa từ Hà Nội trở về trong niềm hạnh phúc khi được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quyết định phong tặng danh hiệu cao quý NSND. Anh có thể chia sẻ một chút cảm xúc của anh như thế nào khi nhận được danh hiệu NSND? Vì theo như tôi được biết có rất nhiều những người nghệ sĩ đã hoạt động nghệ thuật và cũng đã cống hiến có khi hơn cả nữa cuộc đời nhưng đến giờ họ vẫn chưa thể có được danh hiệu này?”

Anh nhìn tôi thật lâu rồi đáp:
“Thật ra ban đầu tôi không dự định nộp hồ sơ xét tuyển, vì so với sự cống hiến của tôi vẫn chưa đủ lớn bằng các nghệ sĩ gạo cội. Nhưng chị Thoại Mỹ và Mỹ Uyên đã thuyết phục tôi nên nộp hồ sơ vì cho rằng sẽ tốt hơn cho tôi khi ở lĩnh vực dàn dựng và làm BGK ở những chương trình lớn mà tôi vinh dự được mời vào ghế nóng. Và tôi cũng không ngờ điều may mắn đã đến với tôi trong lần xét tuyển này. Khi có danh hiệu này tôi nghĩ chưa phải là đỉnh cao của sự nghiệp, mà tôi biết mình càng phải cố gắng trao dồi nhiều hơn nữa vì con đường nghệ thuật còn rất dài. Tôi luôn cảm phục tài năng và đức độ của những cô chú, anh chị nghệ sĩ tài năng đã đi trước nhưng có lẽ vì quy chế phải có huy chương vàng sau ưu tú nên nhiều nghệ sĩ cũng đã bị thiệt thòi và đó cũng là một điều đáng tiếc. Tôi hy vọng những đợt xét tặng sau này hội đồng sẽ ưu tiên cho những trường hợp đặc biệt này và đó cũng là điều mong mỏi nhất của tôi.”

Hữu Quốc vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng

Tôi thắc mắc: “Được biết anh đã sớm xuất hiện trên sân khấu khi mới 16 tuổi, dù còn trẻ nhưng anh lại có duyên và rất thành công khi hóa thân vào những vai lão. Vậy có khi nào anh nghĩ Tổ nghiệp đã chọn anh vào vị trí này hay không? Vì khi nhắc đến nghệ sĩ Hữu Quốc thì mọi người đều nghĩ đến và kêu anh là ông lảo của cải lương.”

Anh mỉm cười đáp lời tôi không ngần ngại: “Năm 16 tuổi là năm tôi được Cố NSND Phùng Há phân vai lão đầu tiên, vai Tư Đồ trong vở diễn Phụng Nghi Đình. Nhưng đó chỉ là một trích đoạn trong kỳ thi học kỳ 5. Khi ra trường năm tôi 18 tuổi thì cô Nguyễn Thị Minh Ngọc đã phân cho tôi hai vai lão. Vai Trung Tín Hầu (lão độc) trong vở Khúc Hát Đoạn Tình, soạn giả Ngọc Linh và vai ông Đồ (Lão mùi) trong vở Giông Tố, tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng, do Văn Đức chuyển thể. Và con đường để vào vai lão là do Cố NSND Phùng Há đã vạch ra cho tôi và nó cứ như một định mệnh để cuộc đời nghệ thuật của tôi cứ mãi chuyên trị vai lão.
Đã có rất nhiều người cho rằng tôi chính là hậu duệ tiếp bước con đường của Cố NSND Diệp Lang và tôi rất hạnh phúc vì điều đó, nhưng bản thân lại luôn khắt khe với chính mình là không được bắt chước để diễn rập khuôn vì mình phải có cái riêng của mình. Và tôi đã làm được nhờ sự quan sát cuộc sống và học hỏi cái hay, cái lạ của các bậc tiền bối và cuộc sống quanh tôi.”

Một trong những vai diễn của NSND Hữu Quốc

Tôi nhìn anh một hồi rồi lại tiếp tục hỏi: “Được biết gia đình anh đã từng ngăn cản không cho anh theo con đường nghệ thuật, nhưng với niềm đam mê cháy bỏng anh đã thuyết phục được và anh đã thành công. Điều này anh có lấy làm tự hào vì mình đã không phụ lòng mong mỏi của gia đình hay không?”

Anh mỉm cười đáp lời tôi không ngần ngại: “Đúng là ban đầu ba tôi và các anh chị trong nhà không vui khi thấy tôi mới có lớp 9 mà lại chọn theo học nghề làm diễn viên. Và cũng chắc có lẽ gia đình vì thấy tôi học văn hoá giỏi, mà lại đang là lớp chuyên văn của quận 10 nên họ sợ tôi theo nghề hát rồi sẽ ảnh hưởng đến việc học, với lại công việc hát thì bấp bênh, không có tương lai. Khi đó chỉ có mẹ tôi là người duy nhất ủng hộ tôi theo nghề, mẹ tôi nói với ba rằng: “con nó đam mê rồi thì hãy để nó chọn nghề cho nó, sau này sướng khổ nó tự gánh”. Và thế là ba tôi và các anh chị đã đồng ý nhưng không vui. Thấy được điều đó nên tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Vừa học nghề, vừa học văn hoá. Học kỳ nào tôi cũng đạt được học sinh giỏi của trường cho đến khi tốt nghiệp cũng với tấm bằng loại giỏi, được học bổng suốt các năm học. Và khi ra trường, chưa có tên tuổi tôi lại rơi vào khủng hoảng tâm trạng vì các bạn học của tôi ai cũng đậu vào các trường đại học danh tiếng. Tôi chưa kiếm được tương lai với nghề hát, phải làm rất nhiều công việc khác để không phải xin tiền ba mẹ. Tôi làm make up cô dâu, làm mc ở các chương trình lớn nhỏ, kể cả các tiệc cưới.
Đến năm 1998-1999 cánh cửa nghệ thuật bắt đầu mở ra với tôi khi năm ấy tôi đoạt giải triển vọng Trần Hữu Trang cùng với NSND Quế Trân. Thế là những thành công trong nghề liên tục đến và đó là cách mà ba tôi cùng các anh chị yên tâm về tôi và mẹ tôi bắt đầu hãnh diện vì tôi đã không phụ vào niềm tin yêu của mẹ.”

Tôi tò mò: “Là một người nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng anh lại có một cách sống rất bình dị dễ gần, điều mà không phải nghệ sĩ nào khi có tên tuổi cũng đều có thể làm được. Vì trong giới nghệ thuật theo như tôi được biết cũng có ít nhiều những người “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.” Anh nghĩ sao về điều này?

Anh trả lời không suy nghĩ: ”Đến bây giờ nhiều khi tôi cũng không nghĩ tôi là người nổi tiếng. Cách sống của tôi xưa giờ vẫn như vậy, ăn mặc bình dị, không thích se sua. Tôi chỉ chưng diện khi tham gia các chương trình hay góp mặt trong các sự kiện. Nhiều khi ra đường có khán giả hỏi có phải nghệ sĩ Hữu Quốc không? Tôi chỉ mỉm cười và đáp “Chính hắn đấy!”

Và anh nói tiếp: “Việc các bạn trẻ khi bắt đầu nổi tiếng có 1 vài thay đổi, theo tôi thì có cái đúng và có cái chưa hay. Cái đúng ở đây là luôn tạo cho mình sự chỉnh chu về hình ảnh khi xuất hiện trước công chúng, nhưng đừng vì thế mà mình lại sa đà chưng diện khi khả năng của mình chưa đủ. Cái nghề biểu diễn coi vậy mà khó lắm. Hãy cứ học theo các bậc tiền bối ở câu “gừng càng già càng cay” vì bản thân mỗi người đều phải chuẩn bị một hành trang thật dài và dày để ta luôn được làm nghề không phải chỉ về tài mà còn cả cái đức.”

“Nếu có một lời gửi gắm đến cho những người thân yêu của mình, đặc biệt là những quý vị khán giả, những người đã đã từng yêu thương anh, ủng hộ anh trong suốt một quá trình làm nghệ thuật thì anh muốn nói điều gì?”

Anh nhanh nhảu, vui vẻ vỗ vai tôi thật mạnh và nói: ”Tôi mãi luôn biết ơn khán giả đã yêu thương cái nghề của chúng tôi từ bao đời nay. Có khán giả mới có người thưởng thức những cái mà chúng tôi thể hiện, bản thân những người làm nghệ thuật phải luôn xứng đáng với tình yêu thương ấy. Và tôi nhận thấy những tín hiệu vui ở sự tiếp nhận của khán giả hôm nay là họ đã yêu thương, chấp nhận những nghệ sĩ diễn dạng vai tính cách như tôi. Điều đó cho thấy rằng các bạn trẻ đang đi con đường giống tôi hãy tự tin và toả sáng. Tôi làm được thì các bạn sẽ làm được, khán giả luôn có cặp mắt tinh tưởng để họ nhận ra ai là người mà họ yêu mến.”

“Dự án sắp tới của anh trong nghệ thuật là gì? Anh có thể chia sẻ một chút với quý khán giả biết có được hay không?”

Anh hớn hở: “Hiện tại tôi chính thức làm việc ở Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long và đã có kế hoạch dựng vở cho cả năm 2024. Với sự tính toán thật kỹ của Ban Giám Đốc đoàn tôi thấy mình thật may mắn khi được làm việc trong một môi trường nhiều thuận lợi này. Ở đây ngoài sự chăm lo về mọi mặt, còn có tình yêu thương của mọi người dành cho nhau nữa. Ngoài ra tôi vẫn tham gia dàn dựng và biểu diễn cho Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ của NSND Mỹ Uyên, nơi mà tôi có nhiều cơ hội làm nghề ở một lĩnh vực sở đoản. Và rất mong quý khán giả sẽ luôn đồng hành cùng tôi ở sân khấu cải lương và kịch nói.”

Trần Thanh Thảo