Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Biên Hòa – Đồng Nai, khi nhắc đến cô gái Ngọc Quế chắn hẳn trong giới nghệ thuật Đồng Nai sẽ chẳng còn ai xa lạ với cô gái có nụ cười thật duyên mà ngay khi lần gặp đầu tiên tôi đã ấn tượng rất nhiều về cô ấy.
Cơn mưa tầm tã đã chào đón buổi gặp mặt hẹn phỏng vấn giữa tôi và cô như chúc mừng cho lần hội ngộ sau một thời gian dài tôi vắng bóng tại Đồng Nai. Nhâm nhi ly trà sữa cô tâm sự:
“Trong gia đình có ba mẹ và cậu hoạt động và làm việc trong ngành Văn hóa của tỉnh, mẹ là NSƯT ở vị trí Phát thanh truyền hình, cậu tôi từng là diễn viên Đoàn Cải lương Đồng Nai, bản thân tôi sống gần trường Trung cấp Văn Hóa Nghệ Thuật từ bé, được nghe đàn, ca, hát, múa nên tôi rất thích được học âm nhạc. 5 tuổi đã được mẹ cho vào Nhà thiếu nhi tỉnh để sinh hoạt ở Đội ca. Đến năm 11 tuổi (Lớp 6) tôi thi đậu trường Trung cấp VHNT Đồng Nai ngành Organ và bắt đầu con đường học nhạc chuyên nghiệp. Học đến lớp 12 thì cũng Tốt nghiệp cùng lúc Văn hóa và đàn Organ. Sau đó tôi lại thi tiếp và may mắn đậu Đại học Văn hóa Hà Nội và Trung cấp Thanh nhạc Nhạc viện Tp Hồ Chí Minh và từ đấy tôi quyết tâm theo học lên Đại học Thanh nhạc Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh.”
Tôi lại tiếp tục hỏi: “Thế từ nhỏ cô đã có niềm đam mê ca hát và hiện tại thì cô đã thực hiện được niềm đam mê của mình, cô có thể chia sẻ với tất cả bạn đọc những thành tích mà mình đã đạt được hay không?”
Cô nói: “Trong suốt quá trình học 8 năm ở nhạc viện, bản thân tôi cũng đã tự nỗ lực và vươn lên, giao lưu học hỏi trao dồi thêm cho mình qua những kinh nghiệm từ những cuộc thi lớn nhỏ. Và tôi đã tự tin thử sức mình ở các giải chuyên nghiệp như: Giải Sao Mai dòng nhạc Thính phòng nhưng có lẽ may mắn chưa mỉm cười nên chỉ dừng lại ở vòng Chung kết miền Nam.”
Và rồi niềm may mắn đã tới, sự nghiệp ca hát của cô được đánh dấu ở cuộc thi “Tiếng hát Truyền hình Đồng Nai” vào năm 2006, cô đã vinh dự mang về cho mình giải ba với ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa” một sáng tác của nhạc sĩ Lê Mây. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, cô đã tiếp tục mang về thêm cho mình giải nhì trong cuộc thi “Tiếng hát người làm báo” và rồi niềm vui lại tiếp tục nhân lên khi cô đã vượt qua hơn 500 thí sinh khắp mọi miền để mang về cho mình giải cao nhất (Giải 1) Giọng hát vàng VOH năm 2010 được tổ chức tại Đài tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi thắc mắc: ”Dường như cô có duyên với những ca khúc truyền thống có phải không? Bởi vì khi nghe nhắc đến Ngọc Quế thì mọi người trong nghề thường ca tụng rằng: cô ấy hát nhạc truyền thống là số 1!”
Cô mỉm cười và nhẹ nhàng đáp lời tôi:
“Đối với tôi dòng nhạc nào cũng thế, khi biểu diễn người ca sỹ cần lắm sự thả hồn vào bài hát, vì có như vậy mới chuyển tải được đến với khán giả những gì mà người nhạc sĩ muốn gửi gắm vào đó. Tôi muốn là một ca sỹ chứ không muốn mình là một thợ hát.”
Nếu có điều gì muốn gửi gắm đến những người có cùng đam mê giống như cô thời ấy, cô sẽ chia sẻ cùng họ điều gì?
Cũng với nụ cười thật duyên cô đáp: “Mong các bạn trẻ và mọi người cũng như đồng nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng, thưởng thức và thể hiện các bài hát Dân ca Việt Nam, ca khúc Truyền thống Cách mạng để càng thêm yêu Truyền thống dân tộc Việt Nam, cũng như có thêm nhiều động lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Hãy để những ca khúc Truyền thống cùng đồng hành, vang mãi cùng dân tộc, nhất là tình yêu của thế hệ trẻ dành cho Tổ quốc.
Trần Thanh Thảo
Tin cùng chuyên mục:
Khẩn cấp cơn bão số 3 mạnh nhất trên Vịnh Bắc Bộ trong 10 năm qua, sức mạnh khủng khiếp của siêu bão YAGI khi nhìn qua vệ tinh
Đấu tranh và bảo vệ “Chủ quyền” trên không gian gian mạng
Rộn ràng ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường
‘Lục bát chân mây’ của nhà thơ Võ Miên Trường và những cảm nhận