Giữa lòng thành phố ồn ào, náo nhiệt, ngay đầu chợ Thủ Dầu (Bình Dương) một có một công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa được phục dựng lại để giúp cho nhân dân, thế hệ trẻ thêm yêu và tự hào về vùng đất mà mình đang sống. Trong không gian nhiều cảm xúc, từng hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý giá từ quá khứ hiển hiện trước mắt người xem, thì thầm kể chuyện đất và người Thủ Dầu Một (Bình Dương) kiên trung ung, anh hùng.
Từ mùa thu lịch sử ấy.
Gắn bó cả cuộc đời với quê hương Đất Thủ, bà Nguyễn Thị Một, phường Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương không khỏi xúc động khi đến tham quan nhà Truyền Thống Thủ Dầu Một. Những hình ảnh về một Thủ Dầu Một từ ngày đầu thành lập cho đến nay như một thước phim quay chậm đưa bà hồi tưởng về những năm tháng còn nhiều khó khăn vất vả, cho đến ngày hôm nay là một diện mạo mới rạng rỡ. Bà cho biết, nhà truyền thống thành phố Thủ Dầu Một, trước đây có tên là Nhà việc Phú Cường vốn là khu hành chính của thực dân Pháp. Nơi đây vào 78 năm trước, đúng vào sáng 25/8/1945 đã diễn ra một cuộc biểu dương lực lượng rất lớn với hơn 5 vạn đồng bào tham gia giành chính quyền. Thời điểm đó, nhà việc Phú Cường trở thành “ vườn hoa Ba Đình” của Tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Tại Nhà việc Phú Cường, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh Thủ Dầu Một đã đọc diễn văn khẳng định, việc xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công – nông
Theo các tài liệu lịch sử còn lưu giữ, thực hiện Lệnh tổng khởi nghĩa của Quốc dân đại hội Tân trào ngày 13-8-1945 và với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn quốc kháng chiến “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.
Tại Thủ Dầu Một, đêm 23/8/1945, ở Chợ Bưng Cầu, làng Tương Bình Hiệp (nay thuộc phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một), Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng, do đồng chí Văn Công Khai, bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban khởi nghĩa chủ trì. Hội nghị quán triệt Nghị quyết Xứ ủy về Tổng khởi nghĩa ở Nam kỳ, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi giành chính quyền từ tay địch ở các quận trong tỉnh, ngày 24-8-1945 và rạng sáng 25-8-1945, cuộc biểu dượng lực lượng của hơn năm vạn quần chúng nhân dân kéo về nhà việc Phú Cường dự mit-tinh, giành chính quyền. Hòa trong không khí cờ đỏ sao vàng dọc theo hai bên đường, mọi người hô vang khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Sâm”. Tại cuộc mít-tinh, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh đọc diễn văn, nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Thủ Dầu Một: “Từ nay xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công – nông”. Ngày 25-8-1945, trở thành ngày trọng đại với người dân Thủ Dầu Một.
Như một sự sắp đặt của tạo hóa, 30 năm sau trong ngày 30-4-1945 lịch sử, ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên tại nhà việc Phú Cường trong thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.
Bà Nguyễn Thị Một, người treo cờ mặt trận trên nhà việc Phú Cường đã vô cùng xúc động, hạnh phúc, tự hào khi nhìn cờ tổ quốc tung bay. Bà Một nhớ lại: “Lúc ấy, mỗi người một việc. Tôi được giao nhiệm vụ trèo lên nóc nhà thay cờ. Do lần đầu tiên đến Nhà việc Phú Cường nên không ai biết đường lên nóc nhà. Tôi nhìn thấy cây sứ nên trèo lên cành cây để đu qua cánh cửa phụ căn nhà rồi trèo lên ban công. Sau khi lên được nóc nhà, tôi hạ lá cờ “ba que” xuống rồi thượng lá cờ Mặt trận giải phóng dân tộc lên”, cảm xúc trong tôi khi ấy dâng trào vì hoàn thành nhiệm vụ quan trọng được giao – bà Một bộc bạch
Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử
Sau ngày giải phóng, Nhà việc Phú Cường trở thành trụ sở làm việc của UBND tỉnh Thủ Dầu Một. Sau một thời gian, công trình này xuống cấp. Đến tháng 1 năm 2020, thành phố Thủ Dầu Một khởi công phục dựng và xây dựng thêm công viên bao quanh nhà truyền thống với diện tích gần 1000m2. Bên cạnh việc phục dựng dựa trên kiến trúc cũ, công trình còn tạo điểm nhấn trong kiến trúc đặc trưng của TP.Thủ Dầu Một xưa và nay. Cảnh quan xung quanh được kết hợp làm khu công viên công cộng cho người dân vui chơi, nhằm giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Bên trong là không gian trưng bày giới thiệu về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội và nhân văn, truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Thủ Dầu Một từ chống Pháp đến chống Mỹ, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, còn khắc đậm những nghề thủ công truyền thống hình thành và phát triển của đất Thủ Dầu Một; qua đó tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc, biết ơn các thế hệ tiền nhân đã có công xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương.
Sau khi được khánh thành nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Nhà truyền thống TP.Thủ Dầu Một đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ rất lý tưởng của nhân dân thành phố. Chị Nguyễn Thị Phương Anh – chuyên viên nhà Truyền thống cho biết: “Hàng tháng, Trung tâm Văn hóa Thông tin – Thể thao TP.Thủ Dầu Một đều tổ chức giao lưu đờn ca tài tử thu hút đông đảo du khách, người dân và giới mộ điệu gần xa đến thưởng thức. Ngoài ra vào các ngày lễ, ngày hè thường có các đoàn cựu chiến binh, các em học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên.. đến tham quan, từ đó hiểu hơn những tháng ngày gian khó của cha ông ta nhưng cũng rất đỗi tự hào”.
78 đã trôi qua, Bình Dương còn đó những chiến tích lịch sử hào hùng. Nhà việc Phú Cường, nơi lưu giữ từng hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý giá từ quá khứ càng làm dày thêm mốc son hào hùng mùa thu năm ấy. Mùa thu 1945, nhân dân Thủ Dầu Một đã cùng cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi hoàn toàn, lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Mùa thu 1945 đã thành mùa hạnh phúc, mùa tự hào, vinh quang, rạng ngời đối với lịch sử dân tộc cũng như số phận mỗi con người.
Tâm Bình
Tin cùng chuyên mục:
Cần xem xét lại tính hợp pháp Hợp đồng chuyển nhượng đất của ông Châu Văn Ba
Kiên Giang: Chủ Tịch UBND huyện Châu Thành Ban hành Quyết định trả lại hiện trạng đất cho người dân.
Bình Dương Phấn Đấu Trở Thành Trung Tâm Công Nghiệp Dịch Vụ Hiện Đại: Kế Hoạch Phát Triển Đột Phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính Kỳ Vọng Bình Dương Bứt Phá Trở Thành Thành Phố Trực Thuộc Trung Ương Vào Năm 2030