●ThS. Tô Văn Sơn
●ThS. Võ Châu Thảo
Trường Chính trị Bình Dương
Văn hóa cộng đồng là một trong những nhân tố cơ bản làm nên nền tảng của đời sống tinh thần xã hội. Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cộng đồng là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng không chỉ trực tiếp xây dựng cơ sở tốt đẹp, văn minh, làm thay đổi diện mạo của các đô thị, tác động mạnh tới sự hình thành nhân cách, nếp sống, lối sống của các thành viên trong cộng đồng mà còn góp phần tạo nên động lực quan trọng, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
● Những nhận thức chung về xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng đô thị.
Văn hóa cộng đồng đô thị là văn hóa của nhóm xã hội nhất định, không phải là số cộng đơn giản của những yếu tố văn hóa cá nhân thuộc về cộng đồng mà là tổng thể sống động các sinh hoạt văn hóa chung của cả cộng đồng. Ở đó, chúng ta thấy được sự bảo tồn, phát huy, sáng tạo các giá trị văn hóa. Mặt khác, các hoạt động sáng tạo đó phải được cộng đồng lựa chọn những yếu tố phù hợp, thừa nhận, chia sẻ và thực hành một cách tự nguyện. Văn hóa cộng đồng đô thị bao gồm các yếu tố khác nhau như: tương tác của cư dân, tham gia vào các dịch vụ văn hóa công cộng, hình thành các nền văn hóa hòa nhập và quản lý các cơ sở văn hóa của cộng đồng. Việc quản lý các cơ sở văn hóa của cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ hóa, đổi mới xã hội và học tập tập thể trong không gian đô thị .
Nghị quyết Trung ương Đảng đã khẳng định một trong những mục tiêu cụ thể để phát triển văn hóa con người Việt Nam hiện nay là: “Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”.
Xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng ở các khu đô thị tập trung vào các nội dung chủ yếu: như về văn hóa nhận thức; về văn hóa tổ chức; về văn hóa ứng xử. Mỗi hoạt động văn hóa của cộng đồng đều cho thấy nền tảng tinh thần, đó thường là lối suy nghĩ và trạng thái xúc cảm đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi cá nhân và tạo thành nét chung trong cộng đồng khu đô thị. Những ngầm định này tạo mạch ngầm kết dính các thành viên trong cộng đồng, tạo nên nền tảng giá trị, lối suy nghĩ, cách hành động của cả cộng đồng.
Văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị quyết định sức sống của chính khu đô thị đó. Thậm chí, nó giúp sức lan tỏa và sự hấp dẫn của khu đô thị vượt xa khỏi không gian của chính nó, vượt qua giới hạn về tuổi thọ của chính khu đô thị đó.
Khu đô thị nào cũng có văn hoá cộng đồng của riêng mình. Điều quan trọng nhất là xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng phù hợp với khu đô thị. Đặc biệt, các khu đô thị mới có sự hỗn hợp về cư dân trên nhiều phương diện như: xuất thân, quê quán, trình độ, nghề nghiệp, tôn giáo, nhu cầu, phong cách… Do đó, để xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng của khu đô thị mới, chúng ta cần chú ý đến các cấp độ biểu hiện của văn hóa cộng đồng. Cấp độ thứ nhất là những giá trị văn hóa hữu hình, bao gồm các sự vật và sự việc mà một người có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc.Cấp độ thứ hai là các giá trị được công khai. Những giá trị được công khai có thể được nhận biết và diễn đạt một cách rõ ràng, chính xác. Mỗi cộng đồng dù lớn hay nhỏ đều xây dựng các quy định, mục tiêu riêng… để quản lý cư dân, định hướng hành động của các chủ thể có liên quan đến khu đô thị. Đây là cách để định hướng cho các chủ thể phong cách ứng xử, sinh hoạt trong môi trường khu đô thị. Cấp độ thứ ba là các quan niệm chung. Đó là niềm tin, nhận thức, suy nghĩ, tình cảm… chung của cộng đồng. Văn hóa cộng đồng có những quan niệm chung hình thành và ăn sâu vào tâm lý, ý thức của các thành viên, tồn tại trong thời gian dài cùng sự phát triển của cộng đồng. Bất kì một hành vi nào đi ngược lại quan niệm chung sẽ bị phê phán và loại bỏ. Đây là yếu tố quan trọng để văn hóa cộng đồng phát triển.
Từ những cấp độ biểu hiện đó, cho thấy phương thức xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng tại các khu đô thị như sau: xây dựng văn hóa cộng đồng trước và trong khi xây dựng khu đô thị; khẳng định các đặc trưng của văn hóa cộng đồng ở khu đô thị; thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm, khách quan của các chủ thể trong xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng ở các khu đô thị; Thực hiện dân chủ trong xây dựng văn hóa cộng đồng ở khu đô thị.
● Thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng đô thị ở tỉnh Bình Dương
Từ sau khi chia tách, thành lập tỉnh, Bình Dương đã có bước phát triển sinh động về kinh tế xã hội nói chung, trong đó nổi bật là sự phát triển nhanh về đô thị. Từ 9 huyện thị ban đầu, đến nay (năm 2024) Bình Dương đã có 5 thành phố (trực thuộc tỉnh) và nhiều đô thị (loại 3, loại 4…) là các phường, thị trấn…trong tỉnh. Đến năm 2023, theo số liệu công bố của cơ quan chức năng, tỷ lệ đô thị hoá của Bình Dương là trên 84%. Bên cạnh đó, một loạt các chỉ dấu về tiêu chí đô thị, Bình Dương đã cơ bản đạt: Dân số đông đúc với mật độ cao, nhất là các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của tỉnh đã tăng từ 88,93% năm 2011 lên xấp xỉ 95%; Đồng thời với đó là hệ thống hạ tầng đô thị khá hiện đại, cả về hạ tầng văn hoá, xã hội và hạ tầng kinh tế kỹ thuật, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng về giao thông và truyền thông… Đó còn là vai trò trung tâm kinh tế, văn hoá của địa phương trong cả vùng và khu vực.
Từ một tỉnh thuần nông kém phát triển, sau ¼ thế kỷ, tỉnh Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. Để đạt được thành tựu to lớn đó, tỉnh Bình Dương đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm khai thông và phát huy các nguồn lực. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa, con người đã góp phần kiến tạo một môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh. Nhưng bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người ở Tỉnh Bình Dương cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Xây dựng văn hóa cộng đồng ở các khu đô thị cũng nằm trong bối cảnh chung đó.
Đô thị hóa là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của cả nước, đồng thời giữ vị thế quan trọng đối với khu vực phía Nam và cả nước nói chung. Quá trình đô thị hoá ở Bình Dương là tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển của một đất nước đang tích cực chuyển mình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh nhiều biểu hiện tích cực, văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Quá trình đô thị hóa cũng có khả năng làm suy giảm tính cộng đồng trong cư dân đô thị. Con người đô thị trở nên cô đơn, vô cảm giữa đám đông, trở thành con người chức năng. Việc hình thành những khu đô thị gây ra hiện tượng tăng dân số cơ học nhanh chóng, tạo nên những áp lực mới về giao thông đô thị, công trình công cộng: trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí... Cùng với đó, việc người dân bốn phương về sống chung tại một địa điểm tụ cư mới, việc chuyển đổi lối sống, nếp sinh hoạt của người dân cũng đặt ra nhiều thách thức ở các khu đô thị. Đặc trưng của văn hóa đô thị là tôn trọng tính cá nhân, dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, sinh hoạt văn hoá cộng đồng rất dễ rơi vào tình trạng đèn nhà ai nhà ấy rạng, các hoạt động văn hóa rời rạc, không gắn kết. Việc xây dựng văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay còn nhiều bất cập. Vai trò của chính quyền, của các tổ chức chính trị – xã hội, của người dân trong xây dựng văn hóa cộng đồng ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay chưa được phân định rõ ràng. Những quy định mang tính chất định hướng, hướng dẫn xây dựng văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị chưa được ban hành.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng đô thị ở tỉnh Bình Dương là một trong những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn cấp bách hiện nay. Nghiên cứu này không chỉ góp phần làm sáng tỏ về phương diện khoa học những đặc trưng, tính chất văn hoá cộng đồng đô thị, vai trò của xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng đô thị mà còn làm rõ những thành tựu, hạn chế, những vấn đề đang đặt ra đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng đô thị của tỉnh Bình Dương.
● Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Những yếu tố tác động đến xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bao hàm các yếu tố về chính sách lớn của Nhà nước và của tỉnh Bình Dương đối với sự phát triển đô thị và văn hoá cộng đồng ; yếu tố tác động từ sự phát triển kinh tế thị trường và khoa học, công nghệ tại tỉnh Bình Dương; yếu tố tác động từ sụ du nhập của nhũng trào lưu, lối sống mới tại tỉnh Bình Dương.
Từ những yếu tố tác động trên, để xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian tới, cần tập trung đồng bộ các nhóm giải pháp sau: Nhóm giải pháp về tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị; Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý của Đảng và Nhà nước đối với xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị; Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các chủ thể trong xây dựng và phát triển văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị; Bộ tiêu chí văn hoá cộng đồng ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Để triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả các nội dung và nhiệm vụ của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đặc biệt xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng ở đô thị mới, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch này với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, và sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Tóm lại, với sự quyết tâm từ lãnh đạo Tỉnh, sự đồng thuận và trách nhiệm từ các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, với sự tham gia tích cực từ mọi tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị, sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc thúc đẩy phát triển xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng ở đô thị mới trên địa bàn tỉnh, đưa Bình Dương trở thành một thành phố thông minh, hiện đại và mục tiêu của đô thị loại I, cũng như khắc phục tình trạng chênh lệch về mức độ hưởng thụ văn hóa, thể thao, và giải trí của nhân dân ở các địa phương trong Tỉnh./.
Tin cùng chuyên mục:
Khẩn cấp cơn bão số 3 mạnh nhất trên Vịnh Bắc Bộ trong 10 năm qua, sức mạnh khủng khiếp của siêu bão YAGI khi nhìn qua vệ tinh
Đấu tranh và bảo vệ “Chủ quyền” trên không gian gian mạng
Rộn ràng ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường
‘Lục bát chân mây’ của nhà thơ Võ Miên Trường và những cảm nhận