Ôn cố tri tân
TẠI SAO KHÔNG XÂY DỰNG ĐIỂN TÍCH, ĐIỂN CỐ CỦA NGƯỜI VIỆT?
Có một điều cần phải nhìn ra và chú tâm suy nghĩ, theo tôi đã đến lúc chúng ta đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: “Người Việt có điển tích, điển cố hay không?”.
Nếu có, tại sao văn chương cổ điển nước nhà lại phải vay mượn từ Trung Quốc? Ngày nay, để có thể hiểu trọn vẹn những kiệt tác như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên v.v… Ít ra người đọc cần phải có một số vốn kiến thức nhất định. Có như thế, ta mới hiểu trọn vẹn những gì mà tác giả đã gửi gắm trong từng câu, từng chữ. Với 3254 hạt ngọc đã làm rạng rỡ cho văn hóa Việt, đưa văn hóa Việt sánh ngang tầm với mọi nền văn hóa trên thế giới, ta hãy chọn lấy một câu bất chợt:
“Mái tây để lạnh hương nguyển”.
Ta hiểu ra làm sao với từ “mái tây”? Với tôi, tất nhiên phải cậy nhờ đến Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa học xã hội- 1974 – của học giả Đào Duy Anh: “Mái tây” chữ Hán là tây sương. Nhắc chuyện “Hội chân ký”. Thôi Oanh Oanh quá chiều Trương Cung mà khiến sau Trương Cung để nguội lạnh mảnh hương thề ở mái tây (chùa Phổ Cứu) nghĩa là quên lời thề nguyện (tr. 236). Với giải thích này, ta chỉ mới hiểu loáng thoáng. Bởi nhân vật Thôi Oanh Oanh vả Trương Cung ấy, có lúc Nguyễn Du gọi gộp “Thôi Trương”: “Lứa đôi ai lại đẹp tầy Thôi Trương”. Đẹp như thế nào, nếu không đọc “Hội chân ký” làm sao ta có thể biết? Thế nhưng, thời trước các cụ đã sử dụng vì đó là những điển tích, điển cố hết sức quen thuộc trong tâm thức người Việt.
Không những thế, thời gian gần đây trong thế kỷ XXI này khi đọc tiểu phẩm trào phúng của nhiều tác giả trẻ, tôi vẫn thấy họ cũng vây mượn như cha ông thời trước.
Sực nghĩ, sao không sử dụng các nhân vật đã có của Việt Nam? Đã có thời gian do ý thức điều này, không phải ngẫu nhiên, khi viết tiểu phẩm châm biếm, tôi đã sử dụng lại tên các nhân vật trứ danh nổi tiếng trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Bởi vì rằng, lâu nay khi cần nói điều gì đó, chúng ta thường mượn lấy điển tích Trung Hoa mà quên rằng nước Việt ta cũng có những câu chuyện những nhân vật tiêu biểu, khái quát, sâu sắc không thua kém gì.
Những nhân vật, sự việc như “Quả cam Trần Quốc Toản”, “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, “Thần tốc như Quang Trung”, “Sợ vợ như Thúc Sinh”, “Số đỏ như Xuân Tóc Đỏ”, “Oẳn tà rroằn”, “Hiền như cô Tấm”, “Tình bạn Lưu Bình – Dương Lễ”, “Nồi cơm Thạch Sanh”, “Oan Thị Kính”, “Quả dưa An Tiêm”, “Say như Chí Phèo”, “Xấu như Thị Nở”, “Cọc nhọn Bạch Đằng”, “Bi kịch Kép Tư Bền” v.v… Hoàn toàn có thể xây dựng thành điển tích, điển cố của người Việt.
Thử hỏi, ai lại không nghĩ nhân vật Trư Bát Giới của Tây du ký là hạng mê gái “trời thần đất lỡ”, nhưng cần gì phải viện đến nhân vật này. Vì rằng, ta đã có nhân vật thay thế, đó chính là Bùi Kiệm của cụ Đồ Chiểu. Cần gì phải vây mượn “Xấu như Chung Vô Diệm” mà Chung Vô Diệm xấu như thế nào? Ta không biết chỉ biết rất xấu, sao không xây dựng “Xấu như Thị Nở”, vốn là nhân vật của nhà văn Nam Cao v.v…
Tóm lại, tại sao không xây dựng thành điển tích, điển cố của người Việt?
Văn hào Lỗ Tấn bảo: “Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường đó thôi”. Trộm nghĩ, nếu muốn xây dựng điển tích, điển cố của người Việt, trước hết cần đọc kỹ bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” và các tác phẩm văn học, chính luận từ thời dựng nước đến giữ nước, lấy đó làm căn bản thì có thể thu thập được nhiều sử liệu, văn liệu rất quan trọng.
Riêng tôi, khi viết tiểu phẩm, truyện ngắn trào phúng, hài hước, tôi cố tình mượn tên các nhân vật trong dòng văn học hiện thực phê phán, nhân vật trào phúng trong dân gian Việt Nam cũng nhằm thực hiện ý đồ trên, ít ra cũng là một cách nhắc đi, nhắc lại những nhân vật điển hình đó với bạn đọc hôm nay.
Với cách làm này, tôi mạo muội nghĩ rằng một khi các nhà văn tiền bối như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố… Đã xây dựng thành công những nhân vật làm rạng rỡ cho cả một nền văn học không chỉ của một thời, một khi nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã “khai sinh” ra Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh v.v.. Vậy, sự kế thừa nối tiếp đưa các nhân vật ấy “sống lại” trong thời buổi này, cũng là một cách phổ cập nhiều hơn nữa với thế hệ trẻ. Ước mơ rằng những nhân vật này đi vào đời sống và một khi ngày càng quen thuộc hơn nữa, hễ một khi cần ví von cần khái quát về một tính cách, diện mạo nào đó, ta có thể vận dụng đến chứ không cần phải vây mượn từ điển tích, điển cố của nước ngoài.
Tất nhiên, công việc này đòi hỏi công sức của nhiều người, chứ không một cá nhân nào có thể. Tôi chỉ là cậu học trò nhỏ của các nhà văn thế hệ trước, xin được cùng nhân vật của họ tiếp tục nối gót con đường trào phúng, châm biếm mà họ đã đi qua và để lại nhiều dấu ấn rực rỡ. Và tôi mong rằng các tác giả khác cũng ý thức được điều này.
Chú thích: Nhân vật điển hình Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh do nhóm Tự lực văn đoàn sáng tạo, hoàn toàn có thể xây dựng thành hình ảnh quen thuộc lâu dài trong tâm thế người Việt.
Nhà thơ-LÊ MINH QUỐC
Tin cùng chuyên mục:
Khẩn cấp cơn bão số 3 mạnh nhất trên Vịnh Bắc Bộ trong 10 năm qua, sức mạnh khủng khiếp của siêu bão YAGI khi nhìn qua vệ tinh
Đấu tranh và bảo vệ “Chủ quyền” trên không gian gian mạng
Rộn ràng ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường
‘Lục bát chân mây’ của nhà thơ Võ Miên Trường và những cảm nhận