Mấy ngày nay thấy truyền thông rần rần về bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam của Nguyễn Quang Dũng, tôi thấy cũng hơi ngứa tay. Nhưng nhớ lời Khổng Tử: Bất học thi, vô dĩ ngôn. Chưa xem phim mà “nói” được cái giống gì. Thôi thì đành nói những cái mình đọc, mình biết mà ít nhiều liên quan đến cái mà người ta đang ì xèo, kiểu “ăn chực” cho vui cửa vui nhà.
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi là cuốn tiểu thuyết “sau 75” quyến rũ nhất đối với tôi. Đơn giản bởi “cha tôi là nông dân, mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn”. Những gì Đoàn Giỏi kể, tôi thấy rất gần gũi, thân thương với thế giới tuổi thơ của mình, với những gì ba tôi và mấy ông hàng xóm đầu bạc thường kể cho nhau nghe vào mỗi tối bên chiếu trà. Hơn thế, Đất rừng phương Nam còn giúp tôi cảm nhận rõ hơn, say mê hơn những câu chuyện ly kỳ, cảm động trong Đồng quê của Phi Vân, Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam mà tôi từng đọc. Tất cả rặt ròng không gian Nam bộ, con người Nam bộ, văn hóa Nam bộ, phương ngữ Nam bộ của một thời… chưa quá xa xưa.
Sau này tôi có đọc thêm vài tác phẩm khác của Đoàn Giỏi, như Cá bống mú, Ngọn tầm vông…, nhưng không thể sánh được với Đất rừng phương Nam. Các tác phẩm này kể chuyện rề rà, chậm chạp và… công thức. Vì sao ư? Có lẽ Đoàn Giỏi hiểu và những người quan sát văn học miền Bắc những năm 1955-1960 hiểu.
Khi bộ phim truyền hình dài 11 tập Đất phương Nam chiếu trên tivi khoảng năm 1997-1998, gia đình tôi có được món ăn tinh thần thật sự khoái khẩu. Nhóc trai của tôi cũng tên An, nên nó ghiền chuyện “thằng An đi tìm cha” như điếu đổ. Nó cứ ngọng nghịu, nghêu ngao hát theo Tô Thanh Phương Bài ca đất phương Nam: “Còn đâu đây tiếng vó ngựa phi, đàn gảy tang tình…” khiến ai cũng cười. Má tôi ăn cơm chiều xong, miệng móm mém nhai trầu, rao lên: “Để lát nữa coi cháu nội tao đi tìm cha nó tới đâu rồi?”. Vậy là mọi người tự giác nhanh chóng thu dọn việc nhà, rồi ngồi vào chỗ của mình, hào hứng dõi theo bước chân thằng An…
Với tôi, phim Đất phương Nam có 4 cái rất được.
Thứ nhất, phim vốn có cốt truyện gốc mang tính du ký đã hay, giờ đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cùng ê kíp mở rộng không gian, thời gian câu cho câu chuyện, sáng tạo thêm nhiều nhân vật, tình tiết mới (Bác Ba Phi, ông bà Tám Luông, Út Trong, Mười Chức…) nên càng ly kỳ, gay cấn, hấp dẫn. Đất rừng phương Nam là chuyện “đất”, chuyện “rừng” Nam bộ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Còn Đất phương Nam là chuyện đất, chuyện người, chuyện văn hóa Nam bộ từ thời chống Pháp 9 năm ngược về những năm 1920. Ngoài sườn truyện của Đất rừng phương Nam, gần như hễ cái gì nổi bật thuộc về Nam bộ đều được đưa vào Đất phương Nam: từ lịch sử khẩn hoang đến vụ án đồng Nọc Nạn; từ hò huê tình, đờn ca tài tử đến hát bội, diễn cải lương; từ chuyện trộm cướp giang hồ trên sông nước đến chuyện gái trai tự tình nơi vườn xoài, gốc ổi; từ cảnh nhậu nhẹt bét nhè ở quán lá ven đường đến cảnh rộn ràng giỗ chạp ở cửa giàu sang… Đất phương Nam là một thứ “liên văn bản”, gồm: Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi + Nọc Nạn của Phúc Vân + Tiếng hò trong đêm vắng của Phi Vân + Tục ăn trộm của Sơn Nam + Truyện Bác Ba Phi của Anh Động + + +… Những cái cộng thêm này phần lớn đều có giá trị. Giới bình dân xem phim có cơ hội mở mang hiểu biết. Người có kiến văn rộng, khó tính thì cũng chỉ càm ràm: phim “lẩu thập cẩm”, “tạp pín lù” nhưng mà xơi được. Cho nên ngẫm lại mới thấy việc Nguyễn Vinh Sơn và ê kíp đổi tên phim của mình thành Đất phương Nam là hợp lý và khôn ngoan.
Thứ hai, Nguyễn Vinh Sơn đã ưu tiên chọn dàn diễn viên hợp vai chứ không chú trọng chọn diễn viên “phòng vé”. Theo quan sát của tôi, các diễn viên trong Đất phương Nam có hai điểm chung đáng chú ý: dân Nam bộ rặt cả về ngoại hình lẫn giọng nói và có gốc rễ nông dân, còn đậm chất phèn (Hồ Kiểng, Chí Hiếu, Mạc Can, Thanh Điền, Trung Dân, Mạnh Dung, Ánh Hoa, Kiều Oanh, Cát Phượng, Mai Thanh Dung…). Vì thế họ vào vai rất ngọt. Trong đó, có những vai đã trở thành kinh điển (Bác Ba Phi của Mạc Can, dì Tư Ù của Mai Thanh Dung, Út Lục Lâm của Trung Dân…).
Thứ ba, Nguyễn Vinh Sơn và ê kíp đã mời được một chuyên gia phong tục thượng thặng là nhà văn, nhà báo, nhà Nam bộ học Sơn Nam. Ông không chỉ là người nghiên cứu văn hóa, phong tục Nam bộ mà còn là nhân vật thực hành việc bảo tồn văn hóa, phong tục Nam bộ. Ông được ví như một pho sử sống về Sài Gòn – Gia Định, về Lục tỉnh Nam kỳ. Ổng ở trọ trong căn phòng chưa đầy 8 thước vuông tận Gò Vấp mà còn biết xứ Giồng Ông Tố hẻo lánh của tôi có hai lò bún nổi tiếng và một thánh thất Cao Đài thiệt đẹp thì tôi cũng… chạy ổng luôn. Cho nên cảnh trí, phục trang, lời thoại, đạo cụ trong phim Đất phương Nam rất ít sơ suất, gần như không bị điều tiếng gì trong dư luận. Có lần, trong không khí thân mật, tôi hỏi “cà khịa” cụ Sơn Nam (hỏi “cà khịa” ổng mới nói trúng vô đề, chứ hỏi để làm phỏng vấn hay viết báo mà không trả nhuận bút trước thì ổng sẽ trả lời… trớt quớt – tính ổng vậy): “Chú làm cố vấn sao mà phim tùm lum chuyện trong đó, không theo đúng nguyên tác của người ta?”. Ổng nheo nheo đôi mắt sau cặp kiếng cận cũ mèm, dày cộp: “Mầy nghĩ coi, mấy thuở người ta làm phim Nam bộ xưa, mà phim dài tới hơn 10 tập. Mình phải tận dụng để đưa hết cái gì thuộc về cá tính của Nam bộ vào. Nam bộ ngoài ruộng vườn, sông nước còn có hò huê tình, đờn ca tài tử, hát cải lương; có Cao Đài, Hòa Hảo, Thất Sơn; có xe lôi, lính kín, lục lâm… Hồi qua Phú Hữu (Nhơn Trạch) quay cảnh có chùa Cao Đài, tao thấy mấy chú chạy xe lôi tội quá, tao nói đạo diễn cảnh này phải có xe lôi chạy qua, chạy lại coi mới được. Đạo diễn liền nhờ mấy chú chạy xe lôi làm diễn viên quần chúng. Xà quần chừng hơn một tiếng, mỗi chú được 2, 3 chục ngàn, đỡ khổ lắm chớ”. Nhờ vậy, tôi hiểu vì sao Đất phương Nam có cảnh hát cải lương dài ngoằng hay có cảnh này cảnh nọ chưa được locgic. Thật ra, chúng không hoàn toàn vô nghĩa, vô tình.
Thứ tư, phim có bài hát chủ đề quá hay. Giai điệu, lời lẽ bài Bài ca đất phương Nam do “song kiếm hợp bích”
Lư Nhất Vũ – Lê Giang sáng tác, qua tiếng hát chân phương, khỏe khoắn của Tô Thanh Phương nghe thật hào hùng, bi thiết, diết da. Bản thân bài hát này đã là một cuốn phim đặc sắc bằng thanh âm về lịch sử, đất nước, con người Nam bộ rồi. Bây giờ nó được minh họa, thêm thắt bằng những hình ảnh tương thích và sống động thì nó càng hay hơn, đi vào lòng người sâu lắng hơn. Việc Nguyễn Quang Dũng và ê kíp chọn lại bài Bài ca đất phương Nam làm bài hát chủ đề cho phiên bản Đất rừng phương Nam của mình, đã chứng tỏ giá trị khó thay thế của tuyệt phẩm này.
Sinh thời, Nguyễn Huy Thiệp có viết đại ý: Văn chương, nghệ thuật như cánh diều, ngòi bút phê bình như ngọn gió. Những ngọn gió ở tầng cao sẽ nâng cánh diều lên bầu trời, những ngọn gió lè tè, cuồng nộ sẽ làm cánh diều cắm đầu xuống đất. Văn chương, nghệ thuật luôn cần những ngọn gió ở tầng cao: cao về trí tuệ, nhân cách và tài năng.
Nguyễn Hà
Tin cùng chuyên mục:
Cần xem xét lại tính hợp pháp Hợp đồng chuyển nhượng đất của ông Châu Văn Ba
Kiên Giang: Chủ Tịch UBND huyện Châu Thành Ban hành Quyết định trả lại hiện trạng đất cho người dân.
Bình Dương Phấn Đấu Trở Thành Trung Tâm Công Nghiệp Dịch Vụ Hiện Đại: Kế Hoạch Phát Triển Đột Phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính Kỳ Vọng Bình Dương Bứt Phá Trở Thành Thành Phố Trực Thuộc Trung Ương Vào Năm 2030