Thương nhớ nhà báo Phùng Thanh La

02/04/2024 21:35:45 +07:00

Thương nhớ nhà báo Phùng Thanh La

Nhà báo Phùng Thanh La – Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cao Su vừa trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Gia Định vì bệnh đột quỵ, hưởng thọ 67 tuổi. Nhận tin nhà báo Phùng Thanh La mất, nhà thơ, nhà báo Trần Thế Tuyển có bài viết “Thương nhớ Phùng Thanh La”. Văn chương phương Nam xin đưa lại bài viết của anh.

Nhà báo Phùng Thanh La

Sáng 2 tháng 4 năm 2024, chúng tôi đến nhà Trung tướng Lê Nam Phong để thắp hương tưởng nhớ vị tướng trận lừng danh gắn với mặt trận Điện Biên Phủ thời chống Pháp và Đường 13- Xóm Ruộng; Xuân Lộc – Long Khánh thời chống Mỹ nhân ngày giỗ thứ 2 của Ông thì nghe tin Phùng Thanh La ốm nặng đang cấp cứu tại bệnh viện Nhân dân Gia Định. Mọi người hẹn nhau sau đám giỗ sẽ đến thẳng bệnh viện thăm Thanh La.

Thắp nhang tưởng nhớ tướng Lê Nam Phong vừa xong, nhà báo Phạm Văn, một người bạn chí cốt của Phùng Thanh La mếu máo nói: “Bác ơi Thanh La đi rồi”. Tôi không tin vào tai mình hỏi lại.

Cách đây vài ngày, cuối tuần trước Thanh La còn đến nhà Phạm Văn cùng giao lưu với những người bạn thân từ Bình Phước đến. Cũng như mọi lần, bao giờ gặp bạn bè, Thanh La cũng mang theo cái gì đó. Phần lớn là khoai lang, ngô nướng hoặc có khi cả hộp cá mòi kho và không thể thiếu những bài thơ anh vừa viết.

Nhà báo Phùng Thanh La (phải) tặng tập thơ cho nhà thơ Trần Thế Tuyển

Nhớ lại, khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trong cuộc giao lưu giữa hai đơn vị kết nghĩa : Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tổng cục Cao su VN, tôi gặp một chàng trung uý có dáng cao to nói tiếng Nga như gió. Đó chính là Phùng Thanh La quê Thanh Hoá vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội bổ sung về Tổng cục Cao su. Biết tôi làm thơ, tan buổi giao lưu, Thanh La gửi tặng tôi các bài thơ anh vừa viết chép tay trên giấy rơm khổ trang sách học trò. Thơ Thanh La mộc mạc, chân tình và giàu cảm xúc.

Sau này, từ Quân khu 7 tôi và Phạm Văn về làm báo Quân đội nhân dân, chúng tôi càng có điều kiện gặp nhau. Với vai trò khi là cán bộ Văn phòng Tổng cục (sau là Tập đoàn); khi là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cao su…, Thanh La tổ chức các chuyến đi thực tế của các nhà báo tới các cơ sở của ngành cao su; phần lớn nơi biên giới xa xôi của tổ quốc. Lửa nhiệt tình với công việc và bạn hữu, đồng nghiệp không bao giờ nguội trong chàng trai quê hương Thanh Hoá này. Không chỉ thế, ngọn lửa ấy còn bùng cháy trong các bài thơ của Thanh La về quê hương, đất nước và đặc biệt ngành cao su mà cả đời anh hy sinh cống hiến.

Nhà báo Phùng Thanh La (thứ 2 từ phải sang), nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cao Su Việt Nam – Thường trực Hội đồng Họ Phùng Phía Nam (thứ 2 từ phải sang) trong buổi ra Hội đồng HPPN.

Khi tôi về làm báo Sài Gòn Giải phóng, Thanh La gửi cho tôi bài thơ Đi tìm anh. Bài thơ giàu cảm xúc, nghĩa tình của người em trai đi tìm phần mộ của anh là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Một điều nữa mà bạn bè, đồng nghiệp trân quý Phùng Thanh La là tình yêu,  trách nhiệm với Mẹ. Mẹ anh một bà mẹ liệt sĩ phúc hậu, hiền từ năm nay đã trên tuổi 100 luôn luôn khát khao chờ đợi người con trai liệt sĩ trở về – dù trở về trong tiểu sành cho quân kỳ bao phủ.

Tôi nhớ mãi mỗi lần đến nhà 52-54 Võ Văn Tần Quận 3, TP HCM nơi Thanh La phụng dưỡng mẹ, Mẹ luôn quan tâm đến chúng tôi. Bao giờ Mẹ cũng dặn,  các con vui cứ vui nhưng uống rượu ít thôi, kẻo say ra đường không an toàn. Hơn trăm tuổi mẹ vẫn lo cho chúng tôi như thế. Mẹ vẫn còn đây mà con trai mẹ – nhà báo Phùng Thanh La đã vội vã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Thanh La ra đi đột ngột khi chưa đến tuổi “ xưa nay hiếm”, xét về mặt nào đó “lỗi hiếu” với mẹ.

Thôi thì” sinh có hẹn, tử bất kỳ” trời gọi ai nấy dạ, Thanh La đi thanh thản nhé !

Nhớ mãi người em, người đồng nghiệp, đồng đội yêu quý !

Chiều 02 tháng 4 năm 2024

Trần Thế Tuyển