Kiên Giang: Sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 – 2024; năng suất bình quân ước đạt 2.557.852 tấn, vượt 3,86% so kế hoạch

05/04/2024 08:33:52 +07:00

Kiên Giang: Sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 – 2024; năng suất bình quân ước đạt 2.557.852 tấn, vượt 3,86% so kế hoạch

Sáng 1́8/03/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức Sơ kết sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 – 2024; Triển khai Kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông 2024, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang dự, chỉ đạo hội nghị.

Tại tỉnh Kiên Giang, việc sản xuất lúa Mùa và Đông Xuân đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực .Vụ lúa Mùa và Đông Xuân năm 2023-2024 đang diễn ra với nhiều triển vọng tích cực. có ý nghĩa quan trọng, là khởi đầu bước vào thực hiện kế hoạch năm lương thực 2024 và là điểm xuất phát đầu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển Ngành nông nghiệp năm 2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT với các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.

Kiên Giang: Hội nghị sơ kết sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023-2024

Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh là 352.800,86 ha (tăng 0,80% so kế hoạch và tăng 0,93% so cùng kỳ năm 2023). Tổng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao đạt 98,93% (349.020/352.800 ha) cao hơn 0,44% so cùng kỳ 2023. Đến ngày 02/4/2024, đã thu hoạch được 329.529,60 ha, đạt 93,40% diện tích gieo trồng; sản lượng thu hoạch ước được 2.385.327,55 tấn, đạt 96,85% kế hoạch vụ và đạt 54,21% kế hoạch năm 2024; năng suất bình quân ước đạt 2.557.852 tấn, vượt 3,86% so kế hoạch và đạt 58,13% so kế hoạch năm lương thực – 4,4 triệu tấn; năng suất bình quân 7,25 tấn/ha, cao hơn so cùng kỳ 0,02 tấn/ha.

Toàn tỉnh tổ chức sản xuất cánh đồng lớn được 428 cánh đồng với diện tích 66.034,1 ha, giảm 289 cánh đồng so cùng kỳ và diện tích giảm 16.551,64 ha so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ:717 cánh đồng lớn, diện tích 82.585,74 ha). Trong đó, có 281 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ với diện tích 50.877 ha, giảm 302 cánh đồng và giảm 12.051,5 ha so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ 583 cánh đồng, diện tích 62.928,5 ha). Do giá lúa nguyên liệu tăng cao, các bên liên quan không thương lượng được giải pháp hiệu quả nên nông dân thu hoạch lúa bán tự do dẫn đến diện tích liên kết tiêu thụ giảm hơn so cùng kỳ năm 2023; Trong vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2023-2024, ngành nông nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện sản xuất gắn liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp được 20.596 ha; trong đó: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết tiêu thụ 19.468 ha (có 2.047 ha sản xuất tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu); Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An được 2.468 ha. Các giống lúa chủ yếu: ĐS1, MO5451, OM18, Đài Thơm 8, ST25.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh phát biểu tại hội nghị.

Về cấp mã vùng trồng lúa: đến nay, trên địa bàn 14 huyện, thành phố đã được cấp 435 mã vùng trồng, với tổng diện tích 14.862,1 ha cho 15 loại cây trồng. Trong đó có 165 mã số xuất khẩu (được Cục BVTV cấp từ năm 2022) cho các vùng trồng phục vụ xuất khẩu các thị trường như EU, Japan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada, … và 224 mã số vùng trồng nội bộ, chờ cấp mã số xuất khẩu.

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh trong mùa khô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và nhiều Công văn triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2023 – 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Sở Nông ngiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi chủ động vận hành sớm hệ thống cống ven biển Rạch Giá – Kiên Lương, ven sông Cái Bé; dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No, vùng U Minh Thượng; đồng thời, bảo trì, các công trình và đắp đập tạm ở các khu vực chưa có công trình ngăn mặn. Các công việc này đã kịp thời kiểm soát tốt nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho đô thị, nông thôn. Hàng tháng phối hợp với đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (của Bộ Nông nghiệp và PTNT) và các địa phương cùng rà soát, xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống cống phù hợp với tình hình thực tế, có hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang chưa ghi nhận có thiệt hại do hạn mặn gây ra; tình hình nguồn nước cung cấp đầu vào cho các nhà máy nước, các trạm cấp nước và hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Ông Lê Hữu Toàn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang.

Ông Lê Hữu Toàn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang sẽ tham gia triển khai thực hiện Quyết định 1490/QĐ-TTg 2023 Phát triển một triệu héc-ta lúa chất lượng cao đồng bằng sông Cửu Long đã được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030″…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá cao sự quyết tâm của ngành Nông nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Với sự phố hợp chặt chẽ của Sở Nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đến nay, về sản xuất, ngành Nông nghiệp cơ bản đã thực hiện thắng lợi sản xuất vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2023-2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thành phố và sở ngành liên quan cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Phối hợp với  các tỉnh bạn trong khu vực trong việc trao đổi, chia sẽ cung cấp thông tin về lịch thời vụ; tiến độ sản xuất lúa vụ Hè Thu và Thu Đông 2024 để chỉ đạo sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang trong việc vận hành 02 đập Tha La và Trà Sư nhằm điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ cho sản xuất.

 Phối hợp chặt chẽ với Đài khí tượng thủy văn của tỉnh và của Trung ương, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng thủy văn nhằm tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông báo cho các ngành, các địa phương và nhân dân chủ động trong sản xuất. Trước mắt cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê ven biển đảm bảo điều tiết tốt nguồn nước phục vụ sản xuất; Đặc biệt, Sở nông nghiệp và PTNT cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị vận hành hệ thống Cống Cái Lớn, Cái Bé trong điều tiết mặn, ngọt phù hợp với các mô hình sinh kế vùng U Minh Thượng và các huyện vùng ven.

Tăng cường công tác khuyến nông về lịch thời vụ sản xuất, quản lý giống lúa, giữ tỷ lệ trồng giống lúa chất lượng cao ổn định từ trên 90% tổng diện tích gieo trồng; vận động các hợp tác xã tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ; mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nhất là trong gieo trồng và thu hoạch; triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn, các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu lúa, gạo hiệu quả, tiên tiến. Đặc biệt, chuyển giao, nhân rộng các quy trình sản xuất lúa giảm chi phí, thay thế một phần phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ.

Đặc biệt, khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 16/01/2024 thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

 Tăng cường quản lý kiểm tra chất lượng hạt giống lúa, vật tư nông nghiệp, các công trình thủy lợi. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra các điểm mua bán hạt giống lúa, phân bón, thuốc BVTV, … ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong buôn bán hạt giống lúa, phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng. Phối hợp chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp trong triển khai liên kết tiêu thụ nông sản.

 Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo gieo trồng theo đúng lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp đối với từng tiểu vùng của địa phương mình. Tăng cường quản lý, phối hợp kiểm tra, xử lý tình trạng gian lận về chất lượng hạt giống lúa, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật…

Các sở, ngành tỉnh, quan tâm phối hợp ngành nông nghiệp triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án … đảm bảo thắng lợi công tác tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 của tỉnh nhà…

Trương Đông Triều