Bài học tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức và công tác đoàn kết, tập hợp trí thức

03/11/2023 23:47:46 +07:00

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3-1964)

Có thể thấy, cả Mác, Ăng ghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất chú ý đến điều kiện xã hội trong việc phát triển nhân cách con người cũng như việc xây dựng con người phát triển toàn diện. Trong khi khẳng định con người phải có khả năng phát triển toàn diện, con người có thể làm chủ xã hội, tự quản lấy tiến trình phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới khả năng của con người trong việc nâng cao tri thức và học vấn, qua đó khẳng định vai trò người trí thức.

Đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội

Mác và Ăng ghen trong tác phẩm “Gia đình thần thánh” rất chú ý đến những điều kiện xã hội khách quan trong việc làm cho con người phát huy được mọi tiềm năng sáng tạo của mình. Các ông cũng đòi hỏi xã hội phải : “đem lại cho mỗi người một không gian xã hội cần thiết cho sự biểu lộ căn bản của bản chất của mình. Nếu như con người là do hoàn cảnh tạo nên thì phải tạo ra những hoàn cảnh hợp tình người. Nếu như con người bẩm sinh ra, đã có tính xã hội thì do đó chỉ có trong xã hội, con người mới có thể phát triển bản tính thực sự của mình và lực lượng của bản tính của con người phải được đánh giá không căn cứ vào lực lượng của cá nhân riêng lẻ mà căn cứ vào lực lượng của toàn xã hội”(1).

Theo quan điểm của Mác, trong điều kiện bị bóc lột về lao động, con người sẽ bị tha hóa và điều quan trọng nhất là bị tha hóa khỏi chính khả năng phát triển của tư duy sáng tạo, tha hóa khỏi hoạt động phát triển tri thức. Trong khi nhấn mạnh tới quy luật của sự tha hoá về lao động trong chủ nghĩa tư bản, Mác cho rằng sự tha hóa này không chỉ tạo ra sở hữu tư nhân và sự phân hoá giai cấp mà còn tạo ra hiện tượng con người bị xa lạ với chính mình, xa lạ với mọi hoạt động sáng tạo của mình. Nói một cách cụ thể là trong điều kiện lao động bị bóc lột, con người không còn niềm vui trong hoạt động lao động sáng tạo, hoạt động vốn là bản chất đã giúp con người vượt lên khỏi giới động vật để trở thành con người. Bởi vậy theo Mác cần phải tiến tới xóa bỏ chế độ người bóc lột người, tạo điều kiện để con người trở lại với bản chất lao động sáng tạo trong tư duy của mình.

Vận dụng sáng tạo đồng thời phát triển chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc xây dựng con người phát triển toàn diện, đặc biệt là thông qua những quan niệm, câu chuyện giản dị, mộc mạc thể hiện tầm quan trọng của công tác giáo dục, xây dựng đội ngũ tri thức cho đất nước.

Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề thu hút, sử dụng và phát huy người có đức có tài làm trọng tâm. Theo đó, trí thức trong quan niệm của Hồ Chí Minh chính là những con người tiên phong trong một xã hội mới, chế độ mới, không ngại khó, ngại khổ. Phải loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ xưa cũ và dùng hết trí tuệ, sức lực cống hiến cho đất nước. Con người mới chỉ có thể đạt được khi mỗi cá nhân người đó phải có ý thức vươn lên tự mình hoàn thiện bản thân, tự mình chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học trong thời đại mình, nghĩa là tự mình và chỉ có bản thân mình mới có khả năng trở thành con người mới, con người phát triển toàn diện chứ không có ai khác.

Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh không bó hẹp trong giáo dục tri thức, học vấn, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động, thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện. Do vậy, ở Hồ Chí Minh, lý luận giáo dục và thực tiễn giáo dục có sự thống nhất, không tách rời nhau. Người kêu gọi: “Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam… phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” (2).

Suốt đời, Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng một xã hội mới về chất, cao hơn hẳn xã hội cũ và để xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo Người: “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật, cần phải học lý luận kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày.

Đối với đội ngũ trí thức, quan niệm của Bác không hề bó hẹp trong những cá nhân, có bằng cấp mà còn nói đến những cán bộ đứng trong đội ngũ của Đảng, những đầu tàu gương mẫu, “người công bộc của nhân dân”. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc luyện “tài”, rèn “đức” cho cán bộ. Bởi theo Bác, “Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người”. Chữ “đức” mà Bác hướng tới là đạo đức cách mạng, đạo đức của giai cấp công nhân, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thực hành nhân, nghĩa, trí, dũng… chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Còn tài là giỏi về kiến thức chuyên môn và giỏi về cách thức, phương pháp vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn, làm cho ích nước lợi dân. Tài không có nghĩa là kiến thức hoàn chỉnh, tuyệt đối, khép kín, mà là một kiến thức mở, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn được bổ sung và phát triển qua thực tiễn cách mạng sinh động.

Về phương pháp giáo dục trí thức, tuy Hồ Chí Minh không để lại một tác phẩm cụ thể về phương pháp giáo dục, nhưng những việc làm thiết thực, những bài viết của Bác đã hàm chứa các phương pháp giáo dục mẫu mực. Bác lấy nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Người nhấn mạnh: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Bác viết: “Giáo dục dù trong nhà trường có tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” (3).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương châm, chiến lược, mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục – đào tạo con người nói chung, trí thức nói riêng không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục nói riêng, ngành giáo dục nói chung hiện nay.

Về vấn đề sử dụng và đãi ngộ trí thức, ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài” và “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí” (4). Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhắc nhở cán bộ, Đảng viên phải làm thế nào để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân. Là người lãnh đạo thì phải có trí tuệ hơn người, minh mẫn, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, gần gũi và trọng dụng những người hiền tài, đức độ, vừa “hiền” lại vừa “minh” và để có được điều đó thì họ cũng cần phải được đào tạo, rèn luyện, phấn đấu.

Trong quan điểm Hồ Chí Minh, thanh niên là đối tượng có tiềm năng, có sức trẻ và khả năng tiếp cận mạnh mẽ nhất đối với tri thức. Tuy nhiên, việc các thế hệ thanh niên có nối tiếp được lý tưởng và con đường cách mạng mà các lớp cha anh đã lựa chọn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vào việc nâng cao không ngừng tri thức và học vấn. Trong bài nói chuyện tại lớp Nghiên cứu chính trị khoá 1, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 21/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân… Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức…Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công nông trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành

 một khối… là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, Đảng và Chính phủ ta rất quý trọng những người trí thức của nhân dân, vì nhân dân” (5).

Về nội dung đào tạo tri thức cho cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc học tập của họ phải xuất phát từ yêu cầu thực tế thiết thực, không phô trương, hình thức. Phải học cặn kẽ, thấu đáo, cụ thể và sâu sắc đến tận bản chất vấn đề. Với Bác, mỗi người phải biết một nghề, làm việc gì học việc ấy và làm nghề gì phải thạo nghề ấy. Nếu là cán bộ lãnh đạo, thì lãnh đạo ngành nào phải biết chuyên môn về ngành ấy. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải nghiên cứu, học tập, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối của Đảng, học văn hoá, kỹ thuật, tri thức khoa học trong lao động sản xuất… Những nội dung đó là hết sức cơ bản và gắn bó chặt chẽ với nhau.

Theo Hồ Chí Minh, nội dung học tập cũng phải toàn diện, “ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân” (6). Về nội dung đào tạo cho trí thức trẻ nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần phải hướng tới việc xây dựng nền giáo dục mạng đậm các giá trị dân tộc, hiện đại, nhân văn, lấy phục vụ tổ quốc, nhân dân làm trọng tâm. Chỉ có con đường giáo dục đào tạo mới có khả năng tăng cao lực lượng lao động có chất xám, thực hiện phương thức đi tắt đón đầu phát huy thế mạnh của người Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi” (7). Khi nói đến con đường hình thành và phát triển đội ngũ trí thức mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc”, đã viết: “Đào tạo trí thức mới, cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hoá. Trí thức công nông hoá”. Người còn giải thích: “Công nông trí thức hoá. Trí thức công nông hoá nghĩa là Công nông cần học tập văn hoá để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông” (8).

Trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước hiện nay, khi những định hướng của việc phát triển nền kinh tế tri thức chiếm vị trí ngày càng lớn trong quá trình phát triển đất nước, thì quan điểm “Công nông trí thức hoá. Trí thức công nông hoá” càng có ý nghĩa quan trọng. Nó góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối liên minh ngày càng chặt chẽ hơn giữa công nhân, nông dân và trí thức, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Chúng ta đều biết, với người trí thức chân chính thì sự “đãi ngộ” mà họ cần nhất là tạo một môi trường tự do suy nghĩ và sáng tạo, tạo điều kiện để trình bày những suy nghĩ đó, để tranh luận nhằm đi đến chân lý, từ đó mà những ý tưởng đúng được thực hành, chân lý được sáng tỏ, góp được vào đường lối chính sách, đưa sự nghiệp phát triển đất nước đi tới. Về vấn đề sử dụng và đãi ngộ trí thức, trong đó có trí thức trẻ có quan hệ chặt chẽ với sự đánh giá khách quan và đúng đắn vị trí, vai trò và những cống hiến của họ đối với xã hội. Bởi vậy, chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho rằng, bên cạnh việc xây dựng những định hướng chính về giáo dục đào tạo trí thức, chúng ta cũng cần phải chú ý tới việc xây dựng ý thức của toàn xã hội trong việc tôn vinh những người tài. Đãi ngộ người tài, điểm quan trọng nhất là tin tưởng và trọng dụng tiềm năng của họ.

Bởi vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh, nhân tài là tài sản quý của quốc gia, làm sao để cho người tài được cắt cử vào chức vụ hợp lý tại ngành hay địa phương. Có những người tài giỏi đứng đầu thì sẽ nâng cao hiệu quả làm việc của tổ chức đó. Bác Hồ cũng đã nhắc nhở rằng: “mục đích lựa chọn cán bộ chính là để dùng nhân tài”. Vì vậy phải làm cho toàn xã hội thấy được tầm quan trọng của người tài giỏi, của đội ngũ trí thức cũng như biết tôn vinh và trọng dụng họ.

Đãi ngộ trí thức cũng cần phải được hiểu là phải có các chế độ hợp lý về lương bổng, phúc lợi xã hội, các điều kiện về ăn ở, sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi. Đây cũng là điều hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện để trí thức ngày càng phát triển, càng đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước. Mặt khác, sự đãi ngộ xứng đáng cũng là một cách tỏ rõ thái độ trân trọng trí thức của nhà cầm quyền, của xã hội, điều đó sẽ động viên người trí thức cống hiến hết mình. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đề cập đến vấn đề sử dụng cán bộ, đã viết: “Phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc” (9).

Lý luận và quan điểm sâu sắc và toàn diện của chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo, sử dụng trí thức vẫn còn nguyên giá trị với định hướng lý luận cho công tác đoàn kết, tập hợp, vận động trí thức ở nước ta hiện nay.

TS. ĐẶNG VŨ CẢNH LINH