Hội Nhà Văn TP HCM phối hợp cùng Trường học Văn Lang tổ chức chương trình giao lưu văn chương gặp gỡ Việt – Hàn

06/07/2024 13:21:44 +07:00

Chương trình gặp gỡ, giao lưu văn chương Việt – Hàn nhằm tạo cầu nối văn chương giữa các nhà văn Việt Nam và giới văn chương Hàn Quốc, qua đó giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới.

Ngày 5-7-2024 tại Hội trường B Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật TP HCM (81 Trần Quốc Thảo phường Võ Thị Sáu quận 3) Hội Nhà Văn TP HCM phối hợp cùng Trường học Văn Lang tổ chức chương trình giao lưu văn chương gặp gỡ Việt – Hàn

Chương trình giao lưu văn chương Việt – Hàn 2024 có sự tham gia của nhà văn Choi Eun Young, Giải thưởng văn học trẻ Hàn Quốc; nhà văn Huỳnh Trọng Khang, Giải thưởng văn trẻ TP Hồ Chí Minh, nhà văn Trần Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học; Nhà phê bình văn học GS. Kim Jae Yong, đồng thời là Tổng Biên tập Tạp chí Văn học toàn cầu Hàn Quốc; dịch giả – Tiến sĩ Hiền Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng văn học dịch – Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Chủ đề chính của chương trình giao lưu năm nay là “Văn học trẻ đương đại Việt – Hàn và văn học hai nước trong dòng chảy văn học thế giới”

Tại buổi giao lưu nhà văn Bích Ngân Chủ tịch HNV TP HCM cho rằng: trong thời đại nối kết toàn cầu, trong không gian sáng tạo mở, việc tổ chức gặp giao lưu giữa người sáng tác văn chương, nhà phê bình văn học, dịch giả của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung với các đồng nghiệp quốc tế là hoạt động cần thiết, góp phần quảng bá văn học thành phố, văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại.

Đây còn là một nhu cầu cấp thiết, bởi sứ mệnh văn chương là khám phá và nuôi dưỡng cái đẹp của tâm hồn; quảng bá văn chương chính là quảng bá cái đẹp cốt lõi của con người, của dân tộc, của quốc gia” Nhà văn Bích Ngân chia sẻ

Các diễn giả cùng tập trung thảo luận và chia sẻ về hoạt động của các nhà văn trẻ và văn chương Việt Nam, Hàn Quốc hiện nay, đặc biệt về vấn đề nhận thức của tác giả, dịch giả và các cơ quan liên quan trong việc giới thiệu văn học nước nhà ra thế giới.

Tại chương trình, GS. Kim Jae Yong cho biết: “hiện nay, Hàn Quốc không chỉ chú trọng vào thị trường tiếng Anh mà còn quan tâm đến nhiều thị trường khác trên thế giới, bằng việc dịch các tác phẩm Hàn ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Mục tiêu của Hàn Quốc là đưa văn học nước nhà ra thế giới và nâng cao vị thế của văn học Hàn Quốc. Có thể thấy gần đây, các nhà văn Hàn Quốc đã chủ động hơn trong việc giới thiệu tác phẩm của mình ra nước ngoài mà không còn quá phụ thuộc vào Chính phủ. Đây cũng là hướng khác của Hàn Quốc so với nhiều nước trong khu vực, chỉ tập trung vào giải Nobel Văn học” GS. Kim Jae Yong cho biết.

Nhà văn Choi Eun Yeong (sinh năm 1984), là tác giả của nhiều tác phẩm trong đó có tập truyện ngắn Nụ cười của Shoko từng xuất bản tại Việt Nam. Tác phẩm của cô được dịch sang nhiều thứ tiếng: Anh, Nhật, Trung, Ả rập, Nga… Chia sẻ về đời sống văn học trẻ đương đại ở Hàn Quốc, nhà văn Choi Eun Yeong, cho biết, mối quan tâm

dành cho văn học nói chung ở Hàn Quốc đang có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những cộng đồng nhỏ yêu văn chương.

Đồng cảm với chia sẻ của nhà văn Choi Eun Yeong, nhà văn Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994, hiện đang sống và làm việc tại TPHCM), thừa nhận sự “trùng hợp” trong bức tranh văn chương đương đại của Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, vì đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản, thường xuyên nhận được những bản thảo của tác giả trẻ, nên theo Huỳnh Trọng Khang, tình yêu văn chương ở các bạn trẻ còn nhiều.

Còn nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng, muốn đưa tác phẩm văn học Việt Nam đưa ra nước ngoài cần có hai yếu tố quan trọng: Dịch giả và chất lượng tác phẩm. Trong đó, yếu tố từ bản thân nhà văn mang tính quyết định, phải viết được những tác phẩm thật hay, khẳng định được uy tín, chất lượng của mình ở trong nước. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần quan tâm, hỗ trợ nhà văn nhiều hơn trong việc đưa tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Bên cạnh những trao đổi về bức tranh văn chương đương đại của mỗi nước, các diễn giả còn có những chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu văn chương. Đây là vấn đề không mới, được thảo luận khá nhiều tại Việt Nam lâu nay. Liên quan đến vấn đề này, đa số đều đồng tình với ý kiến của nhà văn Trần Văn Tuấn khi ông cho rằng, các tác giả cứ viết cho hay trước. Dù có dịch giả, có kinh phí cho việc dịch thuật nhưng tác phẩm chất lượng mới là yếu tố mang tính thiết yếu.

Mạc Tường Vi