PHÍA SAU BỤC GIẢNG VÙNG SÂU

14/11/2023 09:48:57 +07:00

Từ trong suy nghĩ của nhiều người, nghề giáo là một công việc nhẹ nhàng, với vẻ bề ngoài tươm tất, gọn gàn, không phải vất vả lao động chân tay nhưng lại được mọi người kính trọng. Thế nhưng, đối với những thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa nếu không có lòng yêu nghề và tình yêu tha thiết với con trẻ thì nhiều thầy cô giáo đã bỏ nghề bởi phía sau bục giảng ấy là cuộc sống thường nhật đầy khó khăn, gian khổ. Đặc biệt với các điểm trường lẻ ở các làng , bản xa xôi của tỉnh Đăk Lăk, các thầy cô phải dạy ghép lớp trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, băng rừng lội suối, vận động học sinh đến trường xen lẫn niềm vui và nước mắt, nhiều thầy cô giáo còn hy sinh cả thanh xuân để truyền đạt tri thức cho những trò nghèo vùng sâu.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Đăk Lăk có gần 500 ngàn học sinh ở các bậc học, trong đó học sinh người ĐBDTTS chiếm 36%. Riêng ở 2 bậc học Mầm non và Tiểu học, đa số các em HS người ĐBDTTS đang theo học ở các điểm trường lẻ trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Các phòng chức năng, nhà vệ sinh, giếng nước hầu như không có. Nhiều điểm trường được xây dựng từ khá lâu nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Cũng vì không có phòng chức năng nên các em học sinh ở các điểm trường lẻ không được học đầy đủ các môn như Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật… Phương tiện, đồ dùng dạy học thiếu thốn, chủ yếu do giáo viên tự chuẩn bị. Khu vực đóng chân của các điểm trường chủ yếu là thôn, buôn của đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên sự quan tâm của phụ huynh dành cho con em cũng hạn chế. Các em học sinh rất dễ bỏ học do vậy giáo viên thường rất vất vả trong việc hỗ trợ, vận động học sinh trở lại lớp. Nhiều giáo viên thường bỏ tiền túi ra mua tặng sách vở cho những em bỏ học vì thiếu sách vở, đồ dùng học tập.

 Cô giáo như mẹ hiền.

Dù không phài là huyện khó khăn nhất của tỉnh Đăk Lăk, nhưng huyện Krông Năng vẫn còn 1 số điểm trường lẽ ở các cấp tiểu học và mầm non. Tại điểm trường Buôn EaBir, cách điểm chính của trường Mẫu giáo Hoa Sen, xã Cư Klong khoảng 8 km, có 35 trẻ được học ở 2 lớp ghép, với nhiều lứa tuổi khác nhau, đa số các trẻ là người ĐBDTTS. Cô giáo Trương Thị Thắm, người đã có 10 năm gắn bó với trưởng Mẫu giáo Hoa Sen cho biết: “Đa số các cháu chưa biết tiếng phổ thông (Tiếng Kinh), nên việc tập viết tập nói cho các cháu thực sự rất khó khăn, các cháu còn ăn ở sinh hoạt rất lạc hậu, chúng tôi phải chỉ bảo các cháu từ những điều đơn giản nhất như vệ sinh, chải tóc…. Các cháu xem chúng tôi như những người mẹ của mình”

Tiết học ngoại khóa của cô và trò điểm trường Buôn EaBir, trường Mẫu giáo Hoa Sen, xã Cư Klong

“Ngoài giờ lên lớp giảng dạy cho các cháu với trách nhiệm, cường độ cao nhất, sau đó chúng tôi phải tranh thủ nấu ăn cho các cháu, kiêm luôn công việc dọn dep, rửa chén bát… Chúng tôi là những cô giáo đa năng” Cô Thắm cho biết thêm.

Cô và trò điểm trường Buôn EaBir, trường Mẫu giáo Hoa Sen, xã Cư Klong say mê học tập.

Phát huy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ

Theo chân Thầy Y Huỳnh Uông, chúng tôi ghé thăm điểm trường Buôn Lách Ló nằm cách điểm chính của Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Nam Ka, huyện Lăk hơn 20 km, trong đó có khoảng 8km đường đất đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nơi đây chỉ có 1 lớp học dành cho 2 khối lớp 1 và 2 với 17 học sinh. Chiếc bảng đen luôn được chia làm hai nữa, hết dạy các em học sinh lớp 2 làm toán lại quay sang dạy học sinh lớp 1 tập đọc. Với giáo án, thầy Huỳnh cũng phải  soạn hai tập dành cho 2 khối lớp. Thầy Y Huỳnh Uông tâm sự: “Giáo viên Tiểu học ở các trường đã vất vả nhưng giáo viên dạy lớp ghép ở các điểm trường lẻ lại càng vất vả hơn. Để vào được đây, tôi phải lặn lội gần 80km từ nhà ở xã Bông Krang huyện Lăk, trong đó có nhiều km đường đất quanh co, gập ghềnh với những ổ voi, ổ gà và đá lởm chởm; mùa mưa thì lầy lội còn mùa nắng thì bụi mịt mù, thức ăn tôi cũng phải mua nhiều cùng 1 lúc, để dành ăn dần”

Đường vào Buôn Lách Ló, đa số đường vào thôn, buôn ở Đăk Lăk đều khó khăn vào mùa mưa( Ảnh: Thầy Y Huỳnh Uông cung cấp)
Vẻ mặt ngây thơ của các em HS điểm trường Buôn Lách Ló, trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Nam Ka, huyện Lăk

Thầy Nguyễn Trường Sinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cho biết:” Hằng năm việc phân công giáo viên phụ trách điểm trường Buôn Lách Ló luôn là vấn đề nan giải vì giáo viên trong trường ai cũng có hoàn cảnh khó khăn riêng, song với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, 3 năm nay thầy Y Huỳnh Uông đã xung phong bám trụ tại điểm trường Buôn Lách Ló. Lãnh đạo nhà trường cùng với các cấp chính quyền địa phương đã động viên bằng vật chất và tinh thần, hỗ trợ thầy Y Huỳnh Uông mua sắm bếp ga, nồi cơm điện, hỗ trợ về chỗ ăn, ở để Thầy yên tâm công tác. Năm học 2022-2023, thầy Y Huỳnh Uông đã vinh dự được nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” vì đã có nhiều đóng góp tích cực cho ngành giáo dục.

Thầy Y Huỳnh Uông vinh dự nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” năm học 2022-2023( Ảnh: Thầy Y Huỳnh Uông cung cấp)

Hi vọng một tương lai tươi đẹp

Theo Thầy Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Lăk, “Toàn huyện hiện có 43 điểm trường lẻ tại các buôn, làng với gần 100 giáo viên phụ trách giảng dạy. Không chỉ nỗ lực trong chuyên môn, nhiều giáo viên chấp nhận sống xa gia đình để rồi mỗi tuần lại vượt đường xa để đến lớp.  Không thể đi về trong ngày, nhiều giáo viên đã ở lại trường dù điều kiện sống còn thiếu thốn nhưng thầy cô giáo vẫn lạc quan, động viên nhau nỗ lực bám trường, bám lớp, dạy chữ’.

Phải công nhận rằng, những thầy cô giáo bám trụ nhiều năm ở các điểm trường vùng sâu vùng xa là những người có tình yêu bao la với con trẻ, thực sự rất đáng trân trọng. Họ luôn nổ lực cố gắng hi vọng con trẻ nơi đây sẽ có một tương lai tươi sáng. Những ngày lễ, tết không hoa, không quà nhưng các thầy cô giáo không xem đó là nổi buồn. Bởi sự quấn quýt, ngây thơ, ham học của con trẻ nơi đây giúp họ thêm niềm tin, động lực để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đam mê trong công tác giảng dạy, hoàn thành tốt sứ mệnh, vững tay chèo dìu dắt các em học sinh nghèo vùng sâu trên dòng sông tri thức.

Thanh xuân qua nhanh, bỏ lại phía sau hạnh phúc riêng tư

Nhiều giáo viên trẻ, chưa lập gia đình, bố mẹ lại ở xa, nên ngày qua ngày chỉ tiếp xúc với học sinh và phụ huynh tại các buôn làng. Hằng năm, các thầy cô giáo chỉ về quê thăm gia đình vào các ngày hè và lễ Tết. Bao nhiêu tâm tư nhiệt huyết đều dồn vào các em học sinh, nhiều thầy cô đã không còn thời gian làm quen, kết bạn, xây dựng hạnh phúc riêng tư cho mình. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều thầy cô giáo tại các điểm trường vùng sâu cho biết’ Trước đây, họ cũng từng có nữa kia của mình thề non hẹn biển, nhưng do điều kiện địa lý xa xôi cách trở, không thường xuyên gặp nhau nên tình cảm cũng phai nhạt dần, nhiều người không chờ đợi được, nên không thể đến với nhau. Nuối tiếc, nhưng chưa bao giờ hối hận”.

                                                                             Phan Tân