Sự Kế Thừa Và Phát Triển Nghề Sơn Mài Truyền Thống Bình Dương

17/01/2024 15:27:01 +07:00

Sự Kế Thừa Và Phát Triển Nghề Sơn Mài Truyền Thống Bình Dương.

Nghệ thuật sơn mài là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời của người dân Bình Dương. Nghề sơn mài truyền thống đã phát huy được tính văn hóa, nhân văn trong từng tác phẩm, mang đậm đà bản sắc văn hóa của người Việt. Trong thời đại công nghiệp mới, cùng với sự tiến bộ của công nghệ, nghề sơn mài có thể bị mai một, nhưng với sự nổ lực của những nghệ nhân đất Thủ, nghề sơn mài như sống lại và có những bước phát triển ổn định theo thời gian.

Nghề sơn cổ truyền Việt Nam đã có cách nay 2.500 năm qua các tài liệu sử học, truyền thuyết, văn học dân gian. Đặc biệt trong những tư liệu khảo cổ học…có thể khẳng định đây là một nghệ thuật, một ngành nghề bản địa xuất hiện từ lâu đời trên đất nước ta và đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp một giai trò hết sức quan trọng nhằm phục vụ tín ngưỡng, trang trí công trình kiến trúc, đồ dùng và thương mại.

Bình Dương xưa là vùng đất thuộc về phía Nam của sứ Phù Nam hoang vu chỉ có một số ít người Stiêng, người Mạ, người Miên làm rẫy sinh sống. Đến cuối thế kỷ XVII các chúa Nguyễn bắt đầu mở mang vùng đất này để chính thức hóa sự nhập cư của người Việt.

Trải qua hơn ba thế kỷ, vùng đất Bình Dương từ chỗ hoang vu đã trở thành đất lành cho mọi người đến làm ăn sinh sống. Quá trình hình thành, phát triển đến nay trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau khai phá, xây dựng và bảo vệ để ngày một phát triển phồn vinh.

Đầu thế kỷ XVIII, công việc thếp sơn- chùi sơn được đưa vào phục vụ bảo quản hay trang trí trong các công trình tâm linh như đình, chùa, miếu mạo, đồ thờ tự trong nhà…do một dòng người dân gốc Ngũ Quảng đến lập nghiệp rồi phổ biến rộng rãi. Trong thời gian dài đã phát triển thành nghề sơn mài mang dấu ấn riêng được biết đến không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Trong nhân dân còn đang lưu giữ nhiều hiện vật và công trình kiến trúc văn hóa cổ tiêu biểu như chùa Hội Khánh (1741), nhà Ông Trần Văn Hổ (1890), nhà Ông Trần Công Vàng (1892)… tất cả bên trong tại các rường cột đều sơn then, sơn chùi. Trên các bức hoành phi được trang trí sơn son thếp vàng, câu đối cẩn xà cừ trên nền sơn then bóng láng rất công phu và độc đáo, các công trình kiến trúc đó đều có phủ thếp sơn vẫn còn tồn tại đến ngày nay và đều do nghệ nhân địa phương thực hiện.

Chất liệu sơn mài (sơn ta) truyền thống Bình Dương được sử dụng xuyên suốt hoàn chỉnh sản phẩm là loại sơn khai thác tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam (Rhus succedanea) và Campuchia, Myanma (Laccifera Melanorrhera) được xem là nguyên liệu chính, kết hợp với nguyên liệu phụ có khả năng biểu hiện riêng như: vàng bạc lá, vàng bạc hạt, vỏ ốc trai, vỏ trứng gà vịt, son, bột màu các loại… Trong nghệ thuật sơn mài, sơn “cánh gián” hay “then” có vai trò chủ đạo trong việc kết hợp với toàn bộ màu, các chất liệu mài và dẫn dắt chúng đi theo đúng các bước kỹ thuật vẽ từ khi khởi đầu đến khi hoàn thiện công việc và tự thân vừa là chất keo, chất phủ, chất bóng, chất lót tạo nền cho từng sản phẩm.

Năm 1901 Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một thành lập, khi chuyên khoa sơn mài được đưa vào giảng dạy trường đã mời nghệ nhân của làng đến thao tác thực hành đồng thời tuyển sinh từ làng vào học rồi trở về làm nghề. Học sinh được giảng dạy lý thuyết kết hợp với thực hành theo thủ pháp nghệ thuật hiện đại Châu Âu, khi ra trường đều nắm vững kỹ thuật, nghệ thuật chế tác sơn mài.

Năm 1943, ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ tốt nghiệp trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một, họ kết hợp nhau thành lập xưởng sơn mài lấy Tên “Thanh Lễ”. Xưởng cũng là nơi tuyển thợ, nghệ nhân, họa sĩ từ làng và trường Mỹ nghệ thực hành TDM đến làm việc hoặc sáng tác. Đến thập niên 1960 xưởng đổi tên là “Sơn mài Thành Lễ” trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước, có lúc lên đến gần 500 nhân công, nhờ quy tụ nhiều nghệ nhân giỏi sáng tác mẫu như Ngô Từ Sâm, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm, Nguyễn Văn Tuyền, Trần Văn Nam…Mẫu mã, đề tài càng về sau trở nên mới mẻ, phong phú đa dạng được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, Họa sĩ, nghệ nhân tiêu biểu tại đây các thời kỳ có Nguyễn Văn Tuyền, Duy Liêm, Trần Văn Nam, Lương Đình Nhờ, Lương Ngọc Quý…

Trong quá trình phát triển của nghề sơn mài truyền thống Bình Dương, nhờ có nguồn nguyên liệu đủ đáp ứng. Đặc biệt bên cạnh sơn Phú Thọ còn có nguồn sơn Nam Vang nhập từ Campuchia khá dồi dào, nhân lực khéo tay là yếu tố cơ bản giúp cho xưởng Sơn mài Thành Lễ cùng với làng sơn mài tương Bình Hiệp và Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một luôn có điều kiện phối hợp tạo mối liên hệ chặc chẻ và tác động hỗ trợ lẫn nhau. Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một nhận học viên từ làng vào đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực họa sĩ, nghệ nhân trở lại cho làng nghề và các xưởng sơn mài. Làng nghề và xưởng Thành Lễ nhận học sinh khi ra trường vào làm việc từ đó tạo thành chuổi “đào tạo- sáng tác- sản xuất kinh doanh” khép kín thúc đẩy ngành nghề sơn mài truyền thống phát triển mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa xã hội cho tỉnh nhà trong nhiều thập kỷ qua.

            Giai đoạn sau năm 2000 – đến nay, xuất hiện các sản phẩm sơn mài được sử dụng từ nguyên liệu sơn công nghiệp, nhiều loại không rõ xuất xứ. Kỹ thuật sản xuất bằng máy móc sơn thổi, in ấn hình ảnh có sẳn từ internet tải xuống thay cho sự sáng tạo và đôi tay điêu luyện của họa sĩ, nghệ nhân vốn có thủ pháp nghệ thuật riêng. Nguy cơ vi phạm bản quyền là có thật, mẫu mã khá đơn điệu, đề tài ít thay đổi, các doanh nghiệp lại cạnh tranh với nhau bằng cách tùy tiện hạ giá, chạy theo phương châm sản xuất “nhanh – nhiều – giá rẽ”. Hơn nữa hầu hết các cơ sở sơn mài sản xuất tại Bình Dương đều là doanh nghiệp sản xuất siêu nhỏ, vốn thấp không có thương hiệu riêng nên chủ yếu gia công theo công đoạn, không đủ năng lực sản xuất theo hợp đồng số lượng nhiều giá trị cao, không đủ sức tiếp cận thị trường chính mà phải qua trung gian dẫn đến đơn hàng, hợp đồng ngày càng khan hiếm mất dần thị trường tiêu thụ và nghệ thuật cũng như nghề sơn mài có nguy cơ mai một.

            Các họa sỹ phải sinh sống bằng nghề khác, sáng tác chủ yếu tham gia triển lãm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau xuất phát từ đam mê, nguyên liệu sơn ta khá đắt nên một số họa sĩ sáng tác không thường xuyên.

             Nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương đã và đang có một bản sắc riêng góp phần làm rạng rỡ khuôn mặt văn hóa Việt Nam vì vậy “ Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương” mang tính cấp bách cần có sự quan tâm của các tổ chức hội đoàn, doanh nghiệp và cơ quan chuyên ngành nhà nước để: Quy hoạch làng nghề và sắp xếp lại quy mô tổ chức sản xuất từng cơ sở doanh nghiệp, có chính sách tài chính, tín dụng như miễn giảm thuế về đất đai và các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh. Các dự án cũng cần ưu tiên hỗ trợ cho họa sĩ, nghệ nhân những người đã và đang lưu giữ ngành nghề truyền thống như sơn mài.

HÙNG KIỆT