Việc nước chưa xong đầu đã bạc

26/07/2024 16:11:00 +07:00

QUỐC THÙ VỊ BÁO ĐẦU TIÊN BẠCH

Việc nước chưa xong đầu đã bạc

KHẮC THÁI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.

Quan điểm của riêng tôi là: con người không ai có thể là toàn bích, có mặt phải thì cũng phải có mặt trái, có chiều thuận tất có chiều nghịch, có việc làm được, cũng có việc chưa làm được, có những bí ẩn chưa có lời giải mã, nhưng những gì chứng kiến được trong cuộc đời ông Nguyễn Phú Trọng đã và đang toả sáng.

Vì lẽ đó, tôi muốn viết, để nói lòng mình, dù tôi chẳng là gì cả, chỉ là tôi thôi.

1.

CAN ĐẢM… BƯỚC LÊN VŨ ĐÀI

Tôi muốn mở đầu bằng việc dẫn ra đây bài thơ của Đặng Dung – một viên hùng tướng thời nhà Trần nổi tiếng khí tiết, ông viết trong bài “Cảm hoài”:

Thế sự du du nại lão hà,

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.

Thời lai đồ điếu thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

Trí chúa hữu hoài phù địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,

Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

(世事悠悠奈老何/ 無窮天地入酣歌/ 時來屠釣成功易/ 運去英雄飲恨多/ 致主有懷扶地軸/ 洗兵無路挽天河/ 國讎未報頭先白/ 幾度龍泉戴月磨)

Nghĩa là:

Sự đời dằng dặc mà ta già rồi, biết làm sao đây!

Trời đất mênh mông thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao.

Khi gặp thời thì anh hàng thịt, người câu cá cũng dễ lập công,

Nếu thời vận đã qua thì anh hùng cũng chỉ uống hận.

Muốn giúp chúa, ôm hoài bão nâng trục trái đất mà xoay chuyển lại,

Mong rửa sạch giáp binh nhưng không có lối để kéo Ngân Hà xuống.

Thù nước chưa báo được, mà đầu thì đã bạc rồi,

Bao lần mang kiếm Long Tuyền ra mài dưới bóng trăng.

Tôi nghĩ, ông, chính ông – là ông Nguyễn Phú Trọng chứ không phải là ai khác, mang trong mình dòng máu “Sĩ phu Bắc hà” đã từng phải dằn vặt nhiều lắm trước “thế sự” đất nước đang đứng trước những thử thách tồn vong, đúng với nghĩa “Thế sự du du nại lão hà” – việc nước thì quá nhiều mà đầu ông đã bạc trắng.

Chỉ riêng đứng lên nhận công việc Tổng Bí thư, giữa lúc trên tận tầng cao của chính thể đã xuất hiện những thế lực nhiễu nhương, tôi đã kính phục ông!

Bởi, ngay cả vị hùng tướng như ngài Đặng Dung thời Trần thì cũng từng nghĩ: – Trời đất mênh mông là thế nhưng thu vào trong cuộc rượu thì cũng sẽ quên đi tất cả, có gì đâu!.

Đọc hết bài thơ của Đặng Dung, vận vào ông, ông Nguyễn Phú Trọng ạ, mới thấy ông can đảm. Tại sao vậy, vì “Vận khí anh hùng ẩm hận đa” – Dẫu là anh hùng, hào kiệt nhưng buông bỏ, để cho thời vận trôi qua thì rồi cũng sẽ ôm hận với non sông, với Nhân dân.

Khi viết những dòng này, tôi nghĩ đến thế hệ của chúng ta, bởi tôi kém ông 2 tuổi, cũng có thể coi là người cùng thế hệ, tôi đã thấy hầu như khi ông bước lên vũ đài chính trị thì tất cả những người trong thế hệ này, độ tuổi này đã lùi về an trí, buông bỏ hết, chỉ còn lại đơn độc một mình ông. Trong khi đó, ông bước lên không phải là cái “ngai” để dễ bề hưởng lạc, vinh hoa, phú quý mà nó là “vũ đài” thực sự theo đúng nghĩa từ nguyên của hai chữ này. Khi ông nhận nhiệm vụ, tôi nghĩ ông đã cảm nhận cam go, khốc liệt. Lúc đầu, tôi thấy ông chậm rãi, từ tốn, khiêm nhường của kẻ sĩ, tôi cứ lo ông không đủ cái khí khái để làm chính khách. Hoá ra, ông đã im lặng để tìm cơ hội ứng tác những bài “quyền” trên vũ đài chính trị. Đầu tiên là “nhu quyền” để tạo thế đứng, rồi sau đó, sự cần thiết của thế cuộc, ông đã sử dụng “cương quyền” để tung hậu cước uy lực. Ông thật sự tinh thông cả hai quyền cước “Cương”, “Nhu”!

2.

THẲNG THẮN  ĐỐI DIỆN

Thoát ra khỏi sự bất ngờ đầu tiên, tôi tiếp tục ngạc nhiên với ông trong thái độ … đối mặt, đối diện. Chính đây là giai đoạn ông đã làm cho lòng kính trọng ông trong tôi, tưởng chỉ là thoáng qua, nào ngờ nó ở lại.

Tôi còn nhớ ngay trước nhiệm kỳ thứ nhất, ông đảm nhiệm trách nhiệm Tổng Bí thư, đất nước chao đảo bởi bên ngoài thì mối hoạ ngoại xâm, bên trong thì sự bung bét của những thế lực thao túng nền kinh tế và sự suy giảm lòng tin của Nhân dân. Ông bình thản, ông không nao núng nhưng điều đó không có nghĩa và cũng không che giấu nỗi lo, nhưng điều kỳ lạ là tôi không thấy trên gương mặt ông thoáng qua sự chao chạnh, dù chỉ là gợn sóng lăn tăn.

Tôi rất ghét nước mắt, vì vậy mà khi ông rơi nước mắt trong một lần đứng giữa nghị trường, tôi đã bất ngờ, thú thật là tôi đã nghĩ ông …hèn yếu; hèn yếu thì làm chính trị sao được.

Là người nghiên cứu lịch sử đương đại, tôi chưa từng thấy chính khách nào trên thế giới rơi nước mắt trong thời khắc phải có những quyết định có tính sống còn để bảo vệ thành quả mà Nhân dân đã hy sinh xương máu để làm nên.

Hoá ra không! ông đã không yếu đuối, đó là nước mắt của sự tiếc nuối. Ông tiếc cho những con người đang ở những vị trí cao cấp của hệ thống chính trị mà không dám minh bạch, không can đảm đề sát cánh cùng ông đứng về lẽ phải, tiếc cho những người hoặc là cơ hội, hoặc là hèn nhát, hoặc là non kém nhận thức, đã không dám cùng nắm tay ông nén nỗi đau mà cắt bỏ những ung nhọt… Buồn, đau, đã khóc, nhưng nếu ông không mạnh mẽ thì làm sao loại bỏ những bản mặt nhơn nhơn ấy ra khỏi những vị trí trọng yếu của đất nước. Nếu ông không mạnh mẽ, nếu ông không chiến thắng trên vũ trường chính trị thì, ngay tại thời điểm đó tôi đã thiếu lòng tin. Thú thật, trong thời đoạn đó tôi không dám nghĩ đến tương lai bởi những kẻ dựa vào quyền thế Nhân dân giao cho đang lạm quyền, tự tung, tự tác. Nhưng, nhờ quyết tâm và mạnh mẽ, ông đã đưa con thuyền chính trị qua được một khúc ngoặt.

 Dù ông chưa đủ điều kiện để loại bỏ tận gốc nguy cơ trở lại đối diện với những thế lực đối lập, nhưng quyết tâm của ông, thái độ mạnh mẽ của ông đã làm cho những kẻ lộng hành phải nhụt chí, co vòi.

3.

KHÉO LÉO LOẠI BỎ… NHỮNG KẺ GIẤU MẶT

Đây là một mặt trận khó, rất khó, bởi cuộc chiến mở ra với ông là những kẻ vừa tinh vi để giấu mặt, vừa khéo léo để soán đoạt quyền lực. Họ ngồi bên cạnh ông trên cùng một “chuyến tàu chính trị” như một người đồng hành nhiệt huyết nhưng thực tế họ đã che giấu bộ mặt của kẻ tìm lối đi riêng. Loại bỏ những kẻ ngồi cùng ghế nhưng không cùng mục đích là không khó, nhưng nhận diện bộ mặt thật của những người đang có những toan tính vụ lợi cá nhân thì quả thật vô cùng khó. Tôi không biết ông đã nhận diện và lật mặt được bao nhiêu kẻ giấu mặt bên cạnh ông và còn bao nhiêu nữa chưa nhận ra, nhưng chừng ấy bộ mặt mà ông đã loại bỏ khỏi hàng ngũ của chúng ta đủ để tôi khâm phục ông.

Khâm phục, kính trọng không phải là một lời nói suông, bởi nó là cuộc chiến không tiếng súng, không có “hoả lực” mà cần “tâm lực”; đúng nghĩa là cuộc chiến!

 Tất thảy chúng ta đều là “loài”, chung quán từ “loài” nhưng khác nhau ở phụ thể. Là “loài” dù là “loài người” đi chăng nữa thì có thù, có hận, có một mất, một còn…Loại bỏ một đồng đội thoái hóa còn khó hơn cả kéo lẫy cò súng đẩy viên đạn về phía kẻ thù. Có quốc hận tất có tư thù, sự thù hận trong cùng đội ngũ nó âm thầm mà khốc liệt. Ông là “sĩ phu Bắc hà” thì chắc chắn ông cảm nhận được điều đó. Nhưng ông đã không chùn bước, ông đã rất tinh tế để nhận ra những mặt nạ để lột bỏ nó đi. Ông đã không sợ hận thù, sợ trả thù xuyên thế hệ, không ngần ngại, e sợ sự quay trở lại của kẻ cùng đường.

Trong cả hai trường hợp, với kẻ đối diện và với kẻ giấu mặt, ông dám tuyên chiến dù không phải lúc nào ông cũng ở thế thượng phong. Tôi khâm phục.

4.

LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH, LUÔN GIỮ MÌNH

Tôi nói điều này trong bối cảnh quá nhiều, nếu không nói là hầu hết những người hôm qua vừa mới là người nông dân, là người lính trận, bước một bước lên bậc thang danh vọng, họ đã muốn biến mình thành một đẳng cấp “quý tộc” … khác Nhân dân. Tôi không có cơ hội nào gần ông, chỉ nghe thôi nhưng tôi thích ông khi ông nói rằng ông dị ứng với các loại hình thức mị dân mà khoe khoang kệch cởm: đi khai trương công trình thì cầm cái cuốc xẻng quấn giấy màu xanh xanh, đỏ đỏ, đi đến thăm dân thì xe đưa, xe đón, băng cờ khẩu hiệu che kín cả đường. Nghe đồn rằng ông từng phàn nàn cán bộ “khi sống thì chiếm nhà thật to, khi chết lại còn chiếm đất của Nhân dân …”. Thực tế, ông đã chọn cho mình có mấy chục mét vuông ở Nghĩa trang Mai Dịch để ngủ giấc vĩnh hằng bên cạnh các bậc tiền bối…

 Những điều tưởng như vụn vặt ấy, nhưng nó rất quan trọng, nó là quan điểm, là phẩm chất, là giá trị và là nhân cách của những người đại diện cho Nhân dân.

Điều đó làm tôi kính phục!

5.

 VÔ TƯ TRONG CÔNG VIỆC

Tôi không có đủ thông tin để nói chính xác về sự vô tư, nhưng tôi liên tưởng đến hiện tượng này: hầu hết quan chức luôn có cả giàn bè đảng, băng nhóm, thê tử sẵn sàng dựa vào chức vụ của người nhà để tiếm quyền, để soán đoạt, để thao túng. Ngay cả lúc hàng nghìn người dân chết vì đại dịch covid-19, hàng triệu người dân lao đao thất nghiệp trong đại dịch nhưng có những kẻ vẫn cố tình đưa chức vụ của mình ra làm chỗ dựa cho gia đình họ, băng nhóm họ trục lợi bất chấp đạo lý. Hay như kẻ từng đứng ngất ngưỡng trên đỉnh cao quyền lực, biết rõ con mình là kẻ hư đốn, vẫn tìm cách nhét nó vào quyền lực tối cao để nối nghiệp, rồi đổ vỡ… nhiều, nhiều lắm!

Nhưng ông thì không, hay nói đúng hơn là tôi chưa nghe thấy những điều tương tự.

Từ khi ông nắm quyền tối cao đất nước, tôi chưa từng nghe dư luận vợ con, họ hàng nhà ông làm điều gì mang tai tiếng. Tôi cũng chưa từng biết tên của họ trong cuộc đua chen trên chính trường, tài trường.

Tôi kính trọng ông ở tinh thần cầu thị và vô tư đó.

6.

KIÊN TRÌ VÀ BỀN BỈ

Hình như từ trước sức khoẻ ông vốn không được tốt, nhưng ông đã làm việc hết mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Đây không phải hình ảnh sáo rỗng của lời thề “Cống hiến đến hơi thở cuối cùng” như những lần hô khẩu hiệu, mà ở ông, đây là trách nhiệm đối với công việc.

Trong giới hạn của bài viết này, tôi không đề cập đến học thuyết và đường lối chính trị của ông, bởi đó là vấn đề rất lớn, cần có những thảo luận ở cấp độ khác, phạm vi khác, lúc khác. Tôi chỉ đề cập ở đây trong giới hạn của việc tổ chức bộ máy và điều hành hệ thống chính trị. Về lĩnh vực này, tôi không nghĩ ông đã thành công trong công tác nhân sự. Tôi đã thấy ông buộc phải xử lý những người mà chính ông phát hiện và trao chức, trao quyền cho họ.  Ông lại tìm tòi lớp người khác và lại phải thay họ lần nữa. Người ta nói rằng, ông đã “đốt lò” với thứ củi do chính ông ươm mầm, vun trồng, tạo tác hình hài và dựng nó lên… Thật là nan giải, nhưng tôi chia sẻ khó khăn đó của ông ở sự cảm thông mà dân gian từng nói: “Lòng sông, lòng biển dễ dò/ Ai mà bẻ thước đi đo lòng người”. Chính ông đã nhận ra trách nhiệm của mình trong những công việc nhân sự làm chưa tới đích bởi “lòng người” sâu thăm thẳm ông không đo hết được.

Nhưng tôi lại đồ rằng, phương châm của ông là: cái gì mình dựng nên mà không thành thì phải chính tay mình dọn cái đống bừa bộn ấy đi. Vì thế, ông đã kiên trì theo đuổi công việc với thời gian dài như vậy chỉ để sửa lỗi, tìm mới, thay thế và mong nó hoàn thiện hơn.

Nói thì dễ nhưng công việc nhân sự là điều cực khó. Tôi từng nghe dân nói rằng, trong sự đổ bể của nhân sự cấp chiến lược có… lỗi của ông! Thì cũng đúng thôi vì ông là người đứng đầu. Nhưng, ông không chối bỏ trách nhiệm, ông kiên quyết loại bỏ, ông nhẫn nại tìm tòi, ông phát hiện và thay thế. Chính vì thế ông không dám nghỉ ngơi, không dám từ nhiệm vì muốn công việc tới đích, không muốn bỏ bừa ra đấy cho người khác khắc phục.

Trong lịch sử chính trị Việt Nam hiện đại, trước ông, tôi chưa thấy người đứng đầu nào xử lý kiên quyết, minh bạch và nghiêm khắc đối với cán bộ cao cấp như thời ông nắm quyền, thậm chí tôi đã nghe có người nói rằng trong thời gian tại vị họ “chưa từng kỷ luật ai cả”.

Đến khi ông nắm quyền thì khác rồi. Ông đã tạo ra tiền lệ để bất cứ ai cũng có thể bị xử lý nếu họ vi phạm, dù quyền lực, chức tước cao đến cỡ nào. Tạo ra được tiền lệ đó là một thành công đáng trân trọng.

7.

THƯƠNG TIẾC ÔNG

Bởi điều đơn giản là ông đã làm quá sức.

Viết đến đây, tôi nhớ bài thơ của Thiền sư Viên Chiểu (999-1090) rằng:

“Thân như tường bích dĩ đổi thì

Cứ thế thông thông thục bất bi

Nhược đạt tâm không vô sắc tưởng

Sắc không ẩn hiện nhậm thôi đi.”

身如墻壁已頹時/ 舉世匆匆孰不悲/ 若達心空無色相/ 色空隱現任推移

Nghĩa là:’

Thân người như vách tường, sẽ đến lúc đổ nát/ Người đời ai cũng vội vả, lo toan/ Nếu biết cái tâm vốn là “không”, “sắc” tướng cũng là “không”/ Thì dù “sắc” với “không” có ẩn hiện bao nhiêu cũng kệ nó chuyển vận.

Người xưa nói vậy, sức ta có hạn, đâu có gánh hết việc đời. Nhưng, dù sao thì ông đã làm việc, mà cái việc quan trọng nhất xưa nay ít người làm được là phát hiện và tống cổ các mệnh quan kề cận mình nhưng cơ hội soán đoạt quyền lực cho mục đích vụ lợi cá nhân, loại bỏ chúng ra khỏi hàng ngũ đại diện cho Nhân dân.

Thương ông, nói như Thiền sư Viên Chiểu, lẽ ra mặc kệ chúng nó, đã đến lúc nghỉ, cho thế vận trôi nổi… Nhưng ông thì không, vì ông làm việc không bị kích động bởi máu thắng thua mà là vì trách nhiệm với non sông.

8.

GIÁ MÀ

Giá mà, cái thời không có những kẻ nhiễu nhương thì còn những công việc lớn lắm, rất lớn, mà, với trách nhiệm của người đứng đầu đất nước, ông cần làm, phải làm và làm như thế nào cho đúng; đó là quyết định lựa chọn triết lý cho sự phát triển đất nước và tìm được đòn bẫy chiến lược cho sự phát triển giang sơn. Đó, lẽ ra, mới là việc chính của ông, trách nhiệm thuộc về ông,

Rất tiếc là ông không có thời gian và giờ thì không còn cơ hội để làm cái việc quan trọng đó nữa.

Mặc dù, bài viết này không bàn tới những vấn đề về học thuyết chính trị đúng sai, về con đường phát triển của Việt Nam theo hướng nào, nhưng có một thực tế là suốt thời kỳ ông nắm quyền cao nhất, đất nước bị cuốn vào những vấn đề tiêu cực và tha hóa; ông đã phải dồn sức để khắc phục nó. Thế là, khi nhìn về phía trước, để chọn một hướng đi, đưa Đất nước hội nhập và phát triển, ông chỉ biết lấy niềm tin vào quá khứ để mặc định tương lai, người ta cho đó là bảo thủ, là đưa dân tộc đi tiếp trên lằn ranh vết xe đổ của nhân loại. Thật khó để nói một cách chính xác đúng sai ở đâu nhưng tôi tin ông còn dằn vặt lắm! Bởi, thực sự thì quá khứ là một chuyện và tương lai là một chuyện khác, kế thừa nhưng không thể hoán đổi cho nhau. Tương lai phải có lối đi riêng của nó.

Tôi nghiên cứu lịch sử, đọc được rất nhiều, nếu không nói là hầu hết câu chuyện về các nguyên thủ trên thế giới, khi bước lên vũ đài chính trị, họ luôn mang theo một “quốc sách – quyết sách” là sản phẩm tư duy của riêng họ, là “chìa khoá” cho sự phát triển của đất nước họ. Ví dụ, chìa khoá một thời của Đức là cơ khí, Nhật và Hàn là Điện tử và hàng tiêu dùng, Pháp là xa xỉ phẩm và tư bản nông nghiệp, Thái Lan là Dịch vụ…Và, họ không mặc định mãi một quyết sách. Mỗi lần cục diện quốc tế và quốc nội thay đổi, các nguyên thủ quốc gia có liền những kế sách mới để phù hợp với xu thế mới.  Vậy, ông thì sao? Việt Nam thì sao? chìa khoá phát triển của Việt Nam sẽ là gì đây? Nó sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh đương đại? Có lẽ nào Việt Nam chúng ta cứ mịt mù trong điệp khúc chống tham nhũng vậy?.

Giá mà thời của ông đã vượt qua khủng hoảng tham nhũng, lạm quyền để đầu tư tâm sức xứng tầm vào chiến lược phát triển.

Giá mà mà sau chiến tranh là giai đoạn của hoà hợp, thái bình thịnh vượng, giá mà ông không phải vắt óc, rèn dũa ý chí để đương đầu với kẻ đối diện, đối phó với kẻ giấu mặt, phải xây lại nề, sắp lại nếp cho cả thể chế và thiết chế của đất nước… Giá mà ông không phải làm cái việc chống tham nhũng bất đắc dĩ đó để ông còn quỹ thời gian tiếp cận xu thế mới, thay đổi tầm nhìn, mở rộng góc quan sát, ngõ hầu tìm ra một lối đi mới cho Đất nước để bứt phá khỏi những mặc định nặng nề của quá khứ mà phát triển.

Đành vậy, điều đáng lẽ phải làm thì tạm gác lại đấy như là khất nợ với giang sơn để … bất đắc dĩ làm “người đốt lò”!

Thương ông là vậy.

Tiếc là việc “đốt lò” đã lấy hết thời gian và sức lực của ông, làm cho phần lớn thời gian ông đã bị mặc định quá khứ, không thể đổi khác… để rồi rốt cuộc phải đặt ra câu hỏi về di sản để lại trên địa hạt tư tưởng cho sự phát triển là gì?!

Đất nước vẫn đang trong lúng túng tìm tòi con đường phát triển. Một bộ phận lao động chủ lực của đất nước phải bán sức lao động ở nước ngoài để hy vọng đổi đời; doanh nghiệp quốc nội vẫn đang khốn đốn; văn hoá chỗ nọ, chỗ kia còn nhiều sạn sỏi;  giáo dục chưa tìm ra lối thoát hợp lý; đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa còn lao đao vì bữa ăn chưa có thịt; mái trường cho trẻ đến lớp vẫn hun hút gió lùa… Nhưng những gì mà ông khởi xướng cho cuộc chiến xây dựng kỷ cương, phép nước, trong tình huống hiện nay, vẫn là những viên ngọc sáng do ông tạo tác, sẽ làm tiền để lấy lại kỷ cương. Có kỷ cương mới có hy vọng tìm ra con đường hợp lý hơn cho đất nước.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ ông K. Marx đã để lại một di ngôn tại buổi diễn thuyết ở Kreuznech năm 1848, rằng “Nếu lịch sử đặt ra những nhiệm vụ cho thời đại thì đồng thời lịch sử cũng sản sinh ra những nhân vật để giải quyết những nhiệm vụ lịch sử đó”.

Trời ạ! Tại sao “anh lịch sử” oái oăm nào đó không “đặt ra” cho thời đại này của Việt Nam nhiệm vụ lịch sử nào sáng sủa hơn một chút mà lại đặt lên vai nhân vật lịch sử là ông Nguyễn Phú Trọng cái nhiệm vụ chống tham nhũng và lạm quyền nhọc nhằn và truân chuyên đến vậy.

Đó là cái lẽ mà tôi xót xa và càng thương ông hơn!

9.

TÔI CÓ LỜI AN ỦI

Và lời an ủi này tôi lấy từ bài tứ tuyệt của Thiền sư Ngộ Ấn thời Lý (1020-1088). Ngài viết:

“Diệu tính hư vô bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lộ trung thấp vị can”

“妙性虛無不可攀/ 虛無心悟得何難/ 玉焚山上色常潤/ 蓮發爐中濕未桿。

Nghĩa là:

Diệu tín rỗng không thì khó lòng vin tới

Nhưng khi tâm rỗng không thì chẳng hiểu gì diệu tính cả

Giống như ngọc đốt trên núi cao, màu vẫn tươi nhuần mãi

Hay như hoa sen nở trong lửa mà sắc vẫn ướt, chưa hề khô.

Thế đấy, tôi nghĩ là những việc ông đã làm cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, có thể có người thấu hiểu, có người không. Nhưng nếu những gì như trong bài thơ Thiền sư Ngộ Ấn đã viết thì ông như viên ngọc, như bông sen, sáng long lanh dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Là người cùng thế hệ, tôi hiểu ông ra đi chỉ một phần do “ngoại cảm”, nguyên nhân chính vẫn là “nội thương” bởi “tâm bệnh”!

Thôi thì hãy cứ coi như trong cõi là “sắc, sắc, không, không”!

Mong ông thanh thản về Trời. Nhân dân luôn kính trọng và thương tiếc ông

Riêng tôi, xin đưa tiễn ông một tấc lòng này, KÍNH TRỌNG và THƯƠNG TIẾC!

Xin bái biệt!