“ VOỌC BẠC ĐÔNG DƯƠNG”     TẠI KIÊN GIANG CẦN CÓ BIỆN PHÁP BẢO VỆ !

23/04/2024 14:58:40 +07:00

 “ VOỌC BẠC ĐÔNG DƯƠNG” TẠI KIÊN GIANG CẦN CÓ BIỆN PHÁP BẢO VỆ !

Loài Voọc bạc Đông Dương ( Danh pháp khoa học: Trachypithecus germaini caudalis, Dao), hiện cư trú và sống rải rác ở các vùng đồi núi đá vôi ven bờ biển thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang là loài động vật quý, hiếm trong  Danh mục sách đỏ động vật Việt Nam cần có biện pháp bảo vệ.

Nguồn thức ăn từ thiên nhiên

Là loài khỉ có cơ thể nhỏ, trọng lượng từ 5-7kg . Voọc bạc Đông Dương có chiều dài đầu và thân 49-57cm. Chiều dài đuôi 72–84 cm. Vào khoảng thời gian từ cuối năm đến đầu năm mới là mùa sinh sản của chúng, Voọc mẹ mang  thai khoảng 180 ngày, Voọc khi mới sinh ra có bộ lông màu vàng cam, khoảng 2 tuần đầu mặt và lông chúng bắt đầu chuyển  từ từ sang màu xám đen, chân lông màu trắng, trông giống như tóc bạc của người. Thân chúng còn chuyển từ màu xám tới màu đen với các chóp lông màu xám hay vàng nhẹ, tạo nên như ánh bạc làm cho bộ lông lấp lánh ánh bạc. Trên đầu có lông mọc dài thành chóp nhọn (Chiếc mào trên đầu gần như nhọn), lông trên đỉnh đầu có màu tối xám, chóp lông màu xám nhạt hay vàng nhạt, mặt màu đen không có vòng tròn trắng, xung quanh khóe mắt, tay và chân đen. Chân tay dài, Lông bụng xám nhạt và lông đuôi vàng nhạt, khuôn mặt màu xanh xám đen và có chòm râu dài màu trắng. Tuổi thọ của chúng  từ 20-29 năm.

Trong vòng tay mẹ

Hiện nay chúng còn khoảng hơn một trăm con và sống theo nhóm gia đình gồm từ 10 đến tối đa 40 cá thể (số lượng con trong đàn 15-38). Cấu trúc đàn là một con  đực và nhiều con cái. Trong đàn có một con đực dẫn đầu. Chúng hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Leo trèo rất giỏi và sống ở trên cây, voọc sống trên cây cao chúng di chuyển bằng cách nhảy từ ngọn cây này sang ngọn cây kia, sức bật của chúng rất xa, có thể nhảy xa trong khoảng cách 5m. Thức ăn chính của chúng là lá và quả cây rừng tự nhiên.

Khi mùa mưa đến chúng thường ra ngoài núi đá tìm nguồn nước uống

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện có phát hiện một số loài thuộc bộ linh trưởng đề nghị bổ sung vào danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như voọc bạc Đông Dương. Đối với loài voọc bạc Đông Dương sinh sống trên các núi đá vôi thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương đã được các nhà nghiên cứu phát hiện là một loài đặc hữu cần đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ. Chúng đang đứng trước nguy cơ bị diệt chủng, do nguồn thức ăn là lá, quả càng ngày càng ít. Không gian sống càng ngày càng bị thu hẹp do diện tích núi rừng bị phá hủy, khai thác khoáng sản…

Cùng mẹ đi tìm thức ăn

Voọc bạc Đông Dương là loài linh trưởng quan trọng có thể xem là loài tiêu biểu của khu vực núi đá vôi Kiên Lương tỉnh Kiên Giang,  được các nhà nghiên cứu phát hiện là một loài đặc hữu trong Sách đỏ Việt Nam, hiện còn rất ít ngoài thiên nhiên và  chúng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng  cần được bảo vệ.

“Gia đình” Voọc bạc Đông Dương Khu núi đá vôi xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

Tin và ảnh: Nguyễn Anh Tuấn