Nguyên Ủy viên Bộ chính trị-Nguyên Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình: Về thăm lại khu di tích lịch sử Tà Lài

11/06/2024 15:18:11 +07:00

Vừa qua, nguyên Ủy viên Bộ chính trị – nguyên Phó Thủ tướng thường trực chính phủ, ông Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác Tạp chí Truyền thống và Phát triển về thăm lại Khu di tích lịch sử Tà Lài (di tích lịch sử cấp tỉnh)-xã Tà Lài-Huyện Tân Phú-tỉnh Đồng Nai. Tiếp đoàn có đại diện lãnh đạo Sở, ban ngành tỉnh Đồng Nai cùng Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Tân Phú. 

Đại diện lãnh đạo Huyện ủy Tân Phú tặng quà lưu niệm cho Ông Trương Hòa Bình- Nguyên Ủy viên Bộ chính trị- Nguyên Phó thủ tướng thường trực chính phủ ( Ảnh Quốc Chung )

Đây là địa điểm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Huyện ủy, UBND huyện Tân Phú dựng bia ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài đêm 27 tháng 3 năm 1941 – Một nhà ngục giam cầm tù chính trị của thực dân Pháp ở Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng, Nam bộ nói chung. Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Phú: Sau khi thực dân thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa (tháng 12/1861), chúng tổ chức lại bộ máy hành chính để phục vụ khai thác tài nguyên thuộc địa. Đến năm 1878, địa bàn huyện Tân Phú ngày nay là tổng Bình Tuy thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Biên Hòa.

Ngày 01/11/1899, Pháp cắt phía bắc huyện Tân Phú (nay là địa bàn 3 xã Phú Bình, Phú Lâm, Phú Thanh) nhập cùng phía Nam tỉnh Lâm Đồng thành lập sở Tham biện Đồng Nai Thượng; đến năm 1920 đổi thành tỉnh Đồng Nai Thượng. Phần đất còn lại ở nam huyện Tân Phú thuộc về huyện Xuân Lộc.

Năm 1957, để chia cắt địa bàn, đánh phá vào căn cứ kháng chiến, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức thêm quận Định Quán. Đến năm 1967, để đối phó với sự phát triển của phong trào cách mạng, ngăn chặn đánh phá các cửa khẩu hậu cần phía nam chiến khu Đ và trên tuyến quốc lộ 20, địch thành lập thêm quận Kiệm Tân và chi ku Kiệm Tân (bao gồm cả xã Phúc Túc ngày nay).

Đối với cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp và thời kỳ đầu chống Mỹ, Tân Phú là một địa bàn thuộc huyện Xuân Lộc. Năm 1964, để mở rộng hành lang, căn cứ, tạo địa bàn đứng chân hoạt động cho lực lượng tỉnh và đoàn Hậu cần Miền 84 (năm 1966 trở thành đoàn 814).

Sau Hiệp định Paris (27/01/1973), tháng 10/1973, Trung ương Cục miền Nam thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú. Tỉnh căn cứ Tân Phú bấy giờ gồm có các huyện: bắc Tân Uyên (Chiến khu Đ), huyện Phú Giáo và huyện Độc Lập (gồm cả 3 xã của huyện Bù Đăng phía nam lộ 14). Đến tháng 11/1974 chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1974-1975, Trung ương Cục điều chỉnh lại địa bàn tỉnh Tân Phú, chỉ còn lại hai huyện là Định Quán và Độc Lập.

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 01/1976, tỉnh Tân Phú trở thành huyện Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1988, tỉnh giải thể Liên Hiệp Xí nghiệp 600, thành lập thêm 4 xã mới. Huyện Tân Phú gồm 16 xã, 1 thị trấn. Di tích “Địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài” từ năm 1994 đến nay thuộc ấp 3, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Nơi tôi luyện tinh thần thép các bậc tiền bối cách mạng, chí sĩ yêu nước.

Ông Trương Hòa Bình nghe lãnh đạo UBND huyện Tân Phú báo cáo về tình hình kinh tế-văn hoa-xã hội của địa phương. Ảnh Quốc Chung

Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ đã tác động mạnh mẽ đến các nước, trong đó có Pháp và thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhằm đàn áp phong trào cách mạng, chính quyền thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố, lùng bắt người yêu nước, Đảng viên cộng sản giam cầm ở các nhà tù. Ngoài hệ thống nhà tù đã thiết lập trước đây ở Nam Bộ như Khám lớn Sài Gòn, Chí Hòa, các trại giam tại các tỉnh Nam Bộ…, chính quyền thực dân Pháp còn xây dựng, thiết lập một số trại giam, nhà tù ở các vùng miền núi xa xôi, hẻo lánh để giam cầm những người yêu nước, Đảng viên cộng sản. Trên địa bàn tỉnh Biên Hòa, tháng 9 năm 1939, thực dân Pháp cho cải tạo trụ sở của chúng ở tổng Tà Lài, quận Tân Phú, tỉnh Biên Hòa thành nhà tù Tà Lài. Từ đây, nhà tù Tà Lài được hình thành.

Nhà tù Tà Lài gồm 05 lán trại được làm bằng gỗ, mái lợp tranh và những nhà canh của bọn cai ngục; xung quanh nhà tù có hàng rào kẽm gai bao bọc; nhà tù nằm giữa rừng rậm, nhiều thú dữ, phía bắc và tây bắc giáp sông Đồng Nai. Bên kia sông là làng của đồng bào S’Tiêng. Đây là nơi thực dân Pháp giam cầm những người yêu nước, Đảng viên cộng sản của ta. Những người bị giam cầm ở đây là “Tù nhân không án” nhưng thực dân Pháp xếp vào “hạng nguy hiểm”. Trong số bị giam cầm ở đây, nhiều người đã tham gia các tổ chức yêu nước, đặc biệt tổ chức Đảng cộng sản, hoạt động dân chủ, từng hoạt động ở Nam Bộ bị bắt giam trước đây và có ảnh hưởng lớn đối với phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng như đồng chí Trần Văn Giàu, Tô Ký… Những người bị giam cầm ở Tà Lài, chính quyền thực dân xếp vào hạng nguy hiểm.

Mục đích của thực dân Pháp đưa các tù chính trị lên Tà Lài giam cầm, cô lập những thành phần này nhằm tách họ khỏi phong trào đấu tranh cách mạng dưới nhiều hình thức đang nổ ra ở Nam Bộ, gây tác động đến sự cầm quyền của chế độ thực dân. Nhà tù Tà Lài được thiết lập giữa vùng rừng núi bạt ngàn, lắm thú dữ, chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số (Mạ, S’tiêng, K’ho mà thực dân Pháp gọi chung là người Thượng) sinh sống và có sự canh gác của quân lính sẽ không cho người tù có cơ hội gây dựng cơ sở ở đồng bằng, đô thị; tách ra khỏi tổ chức được gây dựng trước đó, không có điều kiện để trốn thoát cũng như sử dụng họ như một dạng lao động khổ sai. Quản lý nhà tù Tà Lài cho rằng: Nếu tù nhân vượt qua được lính canh gác cũng khó tìm đường về, bị lạc trong rừng sâu sẽ bị thú dữ ăn thịt, đói rét, bệnh tật chết hoặc bị những người dân tộc thiểu số trong vùng bắt giao lại cho chính quyền thực dân. Nhưng thực dân Pháp đã nhận định sai lầm vì chính vị trí tọa lạc gần các làng đồng bào dân tộc thiểu số rất thuận lợi đối với ta. Nhờ sự khéo léo tiếp xúc với đồng bào, các Đảng viên cộng sản đã tạo được cảm tình, từ đó đồng bào đi theo cách mạng, chống thực dân Pháp và giúp đỡ, đùm bọc 08 đồng chí trong cuộc vượt ngục thành công vào đêm ngày 27 tháng 3 năm 1941.

Nhà tù Tà Lài được thực dân Pháp sử dụng giam cầm các tù chính trị của ta đến năm 1954. Sau hiệp định Giơnevơ (1954), thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, nơi đây bị bỏ hoang; dưới tác động của thời tiết mưa, gió… các hạng mục của nhà tù bị hư hỏng, không còn tồn tại; toàn bộ cơ sở vật chất và một phần diện tích nhà tù Tà Lài bị sạt lở xuống sông Đồng Nai.

Ngày 19 tháng 5 năm 2000, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Huyện ủy, UBND, UBMTTQVN huyện Tân Phú, phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tân Phú đã nghiên cứu, khảo sát, xây dựng Bia ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài đêm 27 tháng 3 năm 1941 ở khu đất còn lại của nhà tù Tà Lài; đồng thời xây dựng công viên, trồng cây xanh bao quanh nhằm tôn tạo thêm cảnh quan khu lưu niệm lịch sử bằng nguồn ngân sách của tỉnh và huyện.

Ông Trương Hòa Bình bồi hồi kể lại những năm tháng đấu tranh kiên cường của các bậc tiền bối cách mạng tại nhà tù Tà Lài ( Ảnh Trần Thanh Thảo )

Sự kiện vượt ngục Tà Lài đêm 27 tháng 3 năm 1941

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, lịch sử Đảng bộ huyện Tân Phú và Hồi ký của Cố Giáo sư Trần Văn Giàu; ngày 01 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức tiến công Ba Lan, mở màn cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ở Đông Dương, thực dân Pháp ra sức vơ vét của cải, tiền bạc, sức người để phục vụ cho chiến tranh. Chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, thủ tiêu những quyền dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta đã giành được trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 – 1939). Mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với thực dân Pháp trở nên gay gắt. Ở trong nước, thực dân Pháp tiến hành lùng bắt ráo riết những Đảng viên cộng sản và những người yêu nước.

Tháng 9 năm 1939, thực dân Pháp cải tạo trụ sở của chúng ở Tà Lài thành trại giam và đưa một bộ phận tù chính trị từ các nhà tù Khám Lớn, Chí Hòa… lên giam cầm tại đây nhằm tách biệt, cô lập với nhân dân, với cách mạng.

Các tù nhân bị giam cầm ở nhà tù Tà Lài bị thực dân Pháp bắt lao động khổ sai, nặng nhọc từ sáng sớm đến tối như khai thác đá, gỗ trong rừng sâu để phục vụ cho việc xây dựng các công trình của Pháp tại thuộc địa. Nếu tù nhân nào không làm, chống cự lại sẽ bị chúng đánh đập, bỏ đói, cho ăn cơm ôi thiu với cá khô bị mốc, hư mục…

Tính đến cuối năm 1939, số lượng tù nhân bị giam cầm ở nhà tù Tà Lài lên khoảng 400 người; trong đó có các đồng chí ưu tú của Đảng như: Trần Văn Giàu, Tô Ký, Dương Quang Đông, Trần Văn Kiệt, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Công Trung, Trương Văn Nhâm, Châu Văn Giác.

Trong bối cảnh lịch sử đó, ngày 6, 7, 8 tháng 11 năm 1939, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định) để bàn các chủ trương của Đảng trong tình hình mới, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Cừ – Tổng Bí thư. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần… Hội nghị ra Chỉ thị quyết định nhiệm vụ mới của cách mạng giải phóng dân tộc và khẳng định thời cơ cách mạng đã đến để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Thực hiện chỉ thị này, Đảng ủy mật các nhà tù ở Nam kỳ đã gấp rút chuẩn bị cho cuộc nổi dậy đánh chiếm các nhà tù, trong đó có Đảng ủy mật nhà tù Tà Lài.

Tại nhà tù Tà Lài, để chuẩn bị cho cuộc đánh chiếm nhà tù, giải thoát tù nhân khỏi sự giam cầm tại đây, Đảng ủy mật nhà tù, đứng đầu là đồng chí Trần Văn Giàu đã bí mật trao đổi với các đồng chí lãnh đạo trong Đảng ủy nhận định tình hình, phân công nhiệm vụ và đưa ra những vấn đề cần thực hiện để chuẩn bị tiến hành cuộc đánh chiếm nhà tù Tà Lài như sau:

– Tuyên truyền vận động một số lính canh, cai ngục đứng về phía cách mạng, đánh Pháp, giành độc lập dân tộc.

– Trong quá trình lao động (khai thác gỗ trong rừng) và tham gia các cuộc thi do bọn cai ngục tổ chức như: Bơi lội, xỏ cổ vàm trâu…. các Đảng viên mật nhà tù có dịp tiếp xúc, làm quen với đồng bào dân tộc sống ở gần nhà tù; từ đấy đã tạo lòng tin và cảm tình với đồng bào, tuyên truyền vận động đồng bào ủng hộ, tham gia cuộc đánh chiếm nhà tù và giúp đỡ các tù nhân vượt ngục khi thời cơ đến.

– Bí mật tổ chức một đội tự vệ vũ trang xung kích trong nhà tù gồm những người giỏi võ thuật như: Tô Ký, Nguyễn Công Trung… Đây là đội nòng cốt khi tiến hành đánh chiếm nhà tù Tà Lài.

– Chuẩn bị vũ khí thô sơ để phục vụ cho việc nổi dậy, đánh chiếm nhà tù. Công việc này giao cho đồng chí Nguyễn Văn Khung phụ trách.

– Chuẩn bị lương khô và tích trữ thuốc men, việc này do đồng chí Tiển phụ trách.

Đảng ủy mật nhà tù Tà Lài quán triệt chủ trương, khi có lệnh của Xứ ủy Nam kỳ sẽ theo kế hoạch hành động “tốc chiến, tốc thắng” nổi dậy chiếm gọn nhà tù Tà Lài, đánh thẳng ra Xuân Lộc, nếu thắng thì đánh về Biên Hòa.

Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm nhà tù Tà Lài thì cuối năm 1940, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ đã nổ ra và thất bại; nhiều đảng viên, chiến sĩ yêu nước bị địch bắt, giết hại; nhiều cơ sở Đảng bị tan rã; nhiều đảng viên, chiến sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt, giam cầm tại các nhà tù như Khám lớn Sài Gòn, Chí Hòa… và đưa lên giam cầm tại nhà tù Tà Lài.

Trong tình thế đó, Đảng ủy mật nhà tù Tà Lài quyết định chuyển từ “đánh chiếm nhà tù Tà Lài” sang “khẩn trương thực hiện cuộc vượt ngục để trở về bổ sung lực lượng cho các cơ sở Đảng, tiếp tục lãnh đạo quần chúng đấu tranh giải phóng dân tộc”. Đảng ủy mật nhà tù nhận định, nếu ở lại nhà tù lâu thì kế hoạch vượt ngục sẽ bị thất bại vì nhận được thông tin một bộ phận tù chính trị tại nhà ngục Tà Lài sẽ bị chuyển lên trại giam ở Ma Đa Gui (Lâm Đồng).

Để chuẩn bị tốt cho cuộc vượt ngục Tà Lài, Đảng ủy mật nhà tù đã đặc biệt chú trọng đến việc tập hợp tư liệu, thông tin về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ thông qua các đồng chí bị bắt đưa lên nhà tù Tà Lài để sơ kết, nghiên cứu, rút ra bài học kinh nghiệm, tìm ra phương án tối ưu để cuộc vượt ngục thành công.

Việc chuẩn bị vượt ngục được bắt đầu khẩn trương ngay sau tết Tân Tỵ (1941) chú trọng các khâu như: chọn người, điều tra đường đi, hướng đi, chuẩn bị lương thực (cơm khô), trữ thuốc men, tạo giấy tờ hợp pháp, liên hệ với đồng bào dân tộc để dẫn đường, đưa qua sông.

Việc chọn các đảng viên, người yêu nước bị giam cầm tại nhà tù Tà Lài tham gia cuộc vượt ngục không dễ dàng vì tất cả các đồng chí đều muốn tham gia cuộc vượt ngục để trở về với cách mạng tiếp tục chiến đấu, đánh đuổi thực dân Pháp; nhưng nếu người tham gia số đông sẽ dễ bị lộ, nguy cơ cuộc vượt ngục sẽ thất bại. Cuối cùng, Đảng ủy mật nhà tù quyết định chọn 08 đồng chí: Trần Văn Giàu, Tô Ký, Châu Văn Giác, Dương Quang Đông, Trần Văn Kiệt, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Công Trung, Trương Văn Nhâm với tiêu chí nổi bật hơn các đồng chí khác là có khả năng xây dựng lại các tổ chức Đảng, khôi phục các phong trào cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa. Sự lựa chọn này được sự đồng ý, nhất trí cao của tất cả các đồng chí trong Đảng ủy mật nhà tù.

Để cuộc vượt ngục thành công, Đảng ủy mật nhà tù nhận định phải quyết định đúng hướng đi, chọn đúng thời điểm vượt ngục. Tám đồng chí được chọn vượt ngục chia thành hai nhóm đi theo hướng mà thực dân Pháp và bọn cai ngục bất ngờ nhất: nhóm một đi hướng bắc qua sông Đồng Nai băng rừng lên Đà Lạt; nhóm hai đi hướng theo sông Đồng Nai – La Ngà theo rừng chiến khu Đ về hướng Sài Gòn. Việc vượt ngục theo sông Đồng Nai, sông rộng, nước chảy xiết nên thực dân Pháp ít nghi ngờ vì chúng nghĩ nếu các tù chính trị có thoát cũng chỉ bằng đường bộ. Trong khi đó, các tù chính trị đã có sự liên hệ trước với đồng bào dân tộc ở bên kia sông Đồng Nai để nhờ đồng bào dùng thuyền độc mộc giả đi đánh bắt cá đón các đồng chí của ta qua sông và theo sông chạy thoát.

Sau một thời gian chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc vượt ngục, đêm 27 tháng 3 năm 1941, tám đồng chí đảng viên của ta tiến hành vượt ngục theo kế hoạch đã định:

– Nhóm 1 gồm các đồng chí: Trần Văn Giàu, Tô Ký, Châu Văn Giác được đồng bào dân tộc dùng thuyền độc mộc đưa qua sông Đồng Nai, đi bộ vào rừng Cát Tiên, theo hướng bắc về Lâm Đồng (Đà Lạt).

– Nhóm 2 gồm các đồng chí: Dương Quang Đông, Trần Văn Kiệt, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Công Trung, Trương Văn Nhâm dùng thuyền của đồng bào dân tộc đi theo sông La Ngà – Đồng Nai vào rừng chiến khu Đ về thẳng hướng Sài Gòn.

Cả hai nhóm đã vượt ngục thành công. Nhóm 1 trên đường chạy về Đà Lạt, nhóm 2 trên đường chạy về Sài Gòn theo tuyến đường đã đưa ra.

Rạng sáng ngày 28 tháng 3 năm 1941, sau khi kiểm tra tù nhân như thường lệ, bọn cai ngục Tà Lài phát hiện đồng chí Trần Văn Giàu và 07 đồng chí khác của ta đã vượt ngục, trốn thoát. Ngay lập tức, chúng báo cho tỉnh trưởng Biên Hòa chỉ đạo ra lệnh truy nã 08 tù chính trị vượt ngục Tà Lài; tổ chức lực lượng quy mô, bố ráp lùng bắt các đồng chí của ta từ trên tỉnh xuống đến làng, xã ở khu vực Tà Lài và các vùng lân cận như: Ma Đa Gui, Định Quán, Tân Phú… Đặc biệt, thực dân Pháp đã giăng một mạng lưới điệp viên dày đặc xung quanh khu vực Tà Lài; chặn tất cả các ngõ từ Tà Lài ra quốc lộ 20 lên Đà Lạt; đồng thời chúng chốt chặn hướng tây về Thủ Dầu Một, hướng nam dọc sông Đồng Nai về Biên Hòa, Sài Gòn.

Mặc dù thực dân Pháp tìm mọi phương thức truy tìm, lùng bắt gắt gao những đồng chí của ta, nhưng nhờ sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ tận tình của đồng bào, cùng với mưu trí đánh lạc hướng truy tìm của các Đảng viên vượt ngục, các đồng chí của ta đã trốn thoát ra khỏi nhà tù Tà Lài an toàn. Nhóm đồng chí Trần Văn Giàu sau khi lên đến Đà Lạt thì đồng chí Tô Ký bị thực dân Pháp phát hiện, bắt được; nhóm đồng chí Dương Quang Đông về được Sài Gòn an toàn đủ quân số (05 đồng chí). Các đồng chí vượt ngục Tà Lài đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Nam kỳ; xây dựng, củng cố và phát triển cơ sở Đảng ở Nam kỳ, khôi phục lại phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam.

Theo các tài liệu lịch sử Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Phú và Hồi ký của Cố Giáo sư Trần Văn Giàu; nhà tù Tà Lài xưa kia tọa lạc tại một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn thuộc địa phận tổng Tà Lài, quận Tân Phú, tỉnh Biên Hòa.

Nhà tù nằm sâu trong vùng rừng núi, có vị trí hiểm trở “rừng sâu, nước độc”, nhiều thú dữ, cạnh con sông Đồng Nai rộng lớn, nước chảy xiết quanh năm, cách xa khu dân cư. Khuôn viên nhà tù có hàng rào kẽm gai, bùng nhùng bao bọc, nhiều cây cối mọc um tùm. Cách nhà tù (bên kia sông Đồng Nai) là các làng dân tộc bản địa sinh sống (thực dân Pháp gọi là người Thượng). Họ thường chèo thuyền qua sông đoạn gần nhà tù Tà Lài mỗi ngày để vào rừng, săn bắn, hái lượm, làm rẫy. Với địa thế trên, đây là nơi thuận lợi, lý tưởng cho thực dân Pháp giam giữ các tù chính trị. Thực dân Pháp cho rằng: các tù nhân bị giam tại đây không bao giờ có cơ hội trốn thoát ra ngoài được. Nếu trốn ra ngoài sẽ lạc vào rừng sâu, nước độc, có nhiều thú dữ, đói rét, bệnh tật chết hoặc bị đồng bào người Thượng sẽ bắt giao nộp lại cho chúng.

Bên trong khuôn viên nhà tù có 05 lán trại giam giữ tù nhân được làm bằng các vật liệu sẵn có ở đây như: sàn, cột, vách bao quanh bằng gỗ, mái lợp tranh. Mỗi trại chứa 50 đến 70 người, toàn nhà tù có lúc giam giữ số lượng tù nhân lên đến 400 người. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà tù còn có ba nhà trệt bằng gỗ (nhà cấp 4), mái lợp ngói; đây là nơi ở của bọn cai ngục.

Sau hơn 80 năm từ năm 1941 đến nay, địa hình, cảnh quan nhà tù Tà Lài có nhiều thay đổi, những khu rừng rậm bao quanh khu vực nhà tù đã mất đi do quá trình khai thác rừng của người dân để làm nhà cửa, làm rẫy. Do nhà tù được xây dựng bằng các vật liệu gỗ, tranh thô sơ, trải qua thời gian dài dưới tác động của thời tiết đã không còn tồn tại, bị sạt lở, đổ xuống sông Đồng Nai. Hiện nay, chưa sưu tầm được tấm hình nào chụp Nhà tù Tà Lài xưa kia.

Trên khu đất xây dựng nhà tù Tà Lài xưa kia, năm 2000; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai; Huyện ủy, UBND huyện Tân Phú đã xây dựng một Bia lưu niệm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài diện tích 32m2 trong khuôn viên có diện tích 4.411,5m2 bên bờ hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc ấp 3, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Bia ghi dấu sự kiện vượt nhà ngục Tà Lài được thiết kế trong một không gian thoáng, nhiều cây xanh. Phía trước Bia là con đường trải nhựa nối từ thị trấn Tân Phú đến làng đồng bào dân tộc Mạ (ấp 4, xã Tà Lài). Bên phải giáp khu dân cư sinh sống; phía sau và bên trái giáp sông Đồng Nai.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Tân phú cho biết, hiện nay huyện đã có chủ trương xin Tỉnh Đồng Nai quy hoạch thêm 5 ngàn mét vuông xung quanh Bia Tưởng niệm để tái hiện lại ngục tù Tà Lài ngày trước.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình nguyên Ủy Viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ đã nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc vượt ngục ở Tà Lài vào năm 1941. Chính 8 đồng chí vượt ngục đã trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng của quân và dân Nam Bộ, làm cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 Nam Bộ, như đồng chí Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông, Trương Văn Nhâm, Tô Ký…
Việc nhà tù Tà Lài đã được trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh là đáng ghi nhận, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng cần mở rộng thêm diện tích của di tích để phục dựng lại nhà tù năm xưa. Đồng thời làm các thủ tục đưa Tà Lài trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây sẽ là địa chỉ đỏ đến các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau biết được lịch sử hào hùng của ông cha ta thời đấu tranh cách mạng để giải phóng đất nước.
Ông Trương Hòa Bình chụp hình lưu niệm cùng đoàn công tác, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Tân Phú ( Ảnh Quốc Chung )
Ông Trương Hòa Bình chụp hình lưu niệm cùng đoàn công tác, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Tân Phú ( Ảnh Quốc Chung )

Tạp chí Truyền thống và Phát triển