Nhiều giải pháp tích cực thúc đẩy giao dịch không tiền mặt

17/06/2024 09:16:58 +07:00

Vừa qua, Hội thảo “Nâng cao bảo mật an toàn giao dịch không tiền mặt” (TTKDTM) do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) Sở Công Thương Tp.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức.

Hiện nay, một trong những vấn đề lo ngại trong giao dịch TTKDTM là làm sao để phòng chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Hội thảo diễn ra với 2 phiên, gồm: “Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng” và “nâng cao khả năng bảo mật cho các giao dịch cá nhân”, tập trung vào các nội dung đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời nêu rõ thực trạng, chiều trò lừa đảo của các tội phạm mạng, từ đó, đưa ra các giải pháp ngăn ngừa.

Được biết, hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” là một trong các sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”. Chủ đề của chương trình năm nay là thúc đẩy thanh toán không dùng trên mặt an toàn, bảo mật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang Định.

Tại hội thảo, đại diện NHNN cho biết: Ngành Ngân hàng đã và đang tổ chức, triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 4 nhóm chính: Hoàn tiền cơ chế chính sách và chỉ đạo thực hiện; Triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; Tuyên truyền, cảnh báo, phòng chống tội phạm lừa đảo; Phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống lừa đảo qua mạng.

Các tổ chức tín dụng cũng thường xuyên liên tục thực hiện công tác truyền thông với khách hàng về các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử qua website ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking…

Về chi ngân sách, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời, triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách.

Đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Tham dự Hội thảo lần này có rất nhiều lãnh đạo của Tổng cục và đơn vị thuộc Bộ. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc Bộ triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy việc TTKDTM. Đồng thời, Bộ đang rất tích cực tham mưu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy giao dịch TTKDTM trong các khoản thu chi ngân sách bắt buộc phải thanh toán qua tài khoản.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại hội thảo

Về bảo mật không dùng tiền mặt trong thu chi ngân sách, Bộ trưởng cho biết, từ 2013, Kho bạc Nhà nước đã sử dụng 100% chữ ký số giữa Kho bạc Nhà nước và các đơn vị sử dụng ngân sách.

Năm 2023, thu chi ngân sách không dùng tiền mặt đạt đến 99,93% trong tổng số thu ngân sách tại Kho bạc. Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã kết nối nộp thuế điện tử với 57 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam và triển khai đa dạng hình thức nộp thuế.

Phó Chủ tịch Tp.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, Thành phố đã chỉ đạo trong phạm vi thẩm quyền thực hiện TTKDTM, và đã áp dụng nhiều dịch vụ thanh toán các lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông… Tuy nhiên, việc thực hiện TTKDTM vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, nhất là an toàn, bảo mật là điển hình, gây lo ngại cho người tiêu dùng. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hiện rà soát các quy định để cho các giao dịch TTKDTM diễn ra an toàn. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghệ… để đảm bảo an toàn, hình thành hệ sinh thái số thông minh, giúp cho Tp.HCM thực hiện TTKDTM an toàn, hiệu quả.

Tính đến hết 2023, Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân (tương ứng với trên 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng). Nhiều ngân hàng có trên 95% số lượng giao dịch xử lý trên kênh số. Đồng thời, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động và QR code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua.

Theo đánh giá, Ngày không tiền mặt đã góp phần thực hiện hóa các mục tiêu của Chính phủ và chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thanh Phong